Bản tin Bchannel – An Viên 24H 20.08.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 20.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TP.HCM: Tưởng niệm 12 năm ngày cố Trưởng lão Hòa thượng.Thích Minh Châu Viên Tịch; Phân ban Ni giới T.Ư khánh tuế Trưởng lão Hòa thượng. Thích Thiện Nhơn; Vu Lan xa xứ.
TP.HCM: Tưởng niệm 12 năm ngày cố Trưởng lão Hòa thượng.Thích Minh Châu Viên Tịch
Sáng nay ngày 20/08, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đức Pháp chủ GHPGVN, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM đã quang lâm Thiền viện Vạn Hạnh, quận Phú Nhuận, dâng hương tưởng niệm 12 năm ngày Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu viên tịch.
Đối trước Giác linh Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu – Phó Pháp chủ HĐCM, Viện trưởng sáng lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện trưởng sáng lập Học viện, Đức Pháp chủ dâng hương, thành tâm tưởng niệm công đức vị thầy đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo, đặt nền móng và xây dựng GHPGVN ngay từ những ngày đầu thành lập.
Đạo từ đến chư tôn đức trong môn phái tổ đình Tường Vân và môn đồ pháp quyến cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, Đức Pháp chủ mong mỏi chư tôn đức nối chí người đi trước, dìu dắt lớp hậu học, làm cho Phật Pháp càng phát triển.
Trước đó, chư tôn đức Hội đồng Điều hành Học viện PGVN tại TP.HCM đã khánh tuế Đức Pháp chủ. Hướng đến kỷ niệm 40 năm ngày Học viện đi vào hoạt động, Đại lão Hòa thường mong muốn tập thể Hội đồng Điều hành, quý giảng viên nỗ lực cho sứ mệnh giáo dục cao quý, đào tạo các lớp Tăng, Ni tài đức kế thừa sự nghiệp Phật giáo nước nhà.
Phân ban Ni giới T.Ư khánh tuế Trưởng lão Hòa thượng. Thích Thiện Nhơn
Ngày 20/8, đoàn chư tôn giáo phẩm Phân ban Ni giới TƯGH và TP.HCM đã đến chùa Quốc Ân Khải Tường, tỉnh Đồng Nai để vấn an, khánh tuế Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN.
Đại diện đoàn, Ni trưởng Thích nữ Như Thảo – UVTT HĐTS, Phó trưởng Phân ban Ni giới TƯ, Phó trưởng ban Thường trực Phân ban Ni giới TP.HCM tác bạch kính mừng Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn thêm một tuổi đạo, tuệ đăng thường chiếu, là bóng cây che mát cho Tăng Ni tấn tu học Phật.
Báo cáo công tác trong 3 tháng An cư, đặc biệt là chuyến thăm, cúng dường các hạ trường tại cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, chư tôn đức Ni mong Trưởng lão Hòa thượng huấn từ để làm định hướng hoạt động cho Phân ban trong tương lai.
Đáp lời, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn mong Phân ban sẽ lãnh đạo Ni giới góp phần xây dựng GHPGVN ngày càng phát triển và vững mạnh.
Nét đẹp dâng y ca sa
Chiếc y ca sa được ví như pháp khí đối với người xuất gia. Thời điểm tạ pháp, kết thúc 3 tháng an cư, chư Tăng Ni nhận thêm chiếc y mới đánh dấu hành trình tu tập thêm một tuổi đạo. Với ý nghĩa thiêng liêng đó, lễ dâng y ca sa được các tự viện tổ chức trang nghiêm.
Phật tử Mỹ Đức đang tu tập tại Tịnh xá Ngọc Nhơn, tỉnh Bình Thuận. Năm nay, cô gái nhỏ được vào Bình Phước tham gia dâng y ở Tịnh xá Ngọc Chơn. Người Phật tử trẻ không khỏi hồi hộp, tập luyện kỹ lưỡng trước khi tham dự buổi lễ.
Qua năm tháng, truyền thống dâng y ca sa có thay đổi nhưng vẫn giữ được sự trang nghiêm. Và đóng góp không nhỏ cho buổi lễ như thế này là các Phật tử.
Dâng y ca sa hay dâng pháp y luôn là nét đẹp trong văn hóa Phật giáo. Đây cũng là dịp tôn vinh những giá trị truyền thống có từ thời Đức Phật. Sau 3 tháng an cư, chư Tăng Ni trở về trú xá tiếp tục tu học, hành trì giới – định – tuệ để thành tựu đạo quả, giải thoát giác ngộ.
Tiếp bước dưới mái nhà lam
Tại tỉnh TT-Huế, cái nôi của tổ chức GĐPT, các thế hệ đoàn sinh, huynh trưởng đang không ngừng kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của tổ chức, một lòng xây dựng ngôi nhà lam ngày càng vững mạnh.
Có lẽ lâu rồi, hàng chục thế hệ huynh trưởng, đoàn sinh Gia đình Phật tử chùa Đốc Sơ, phường An Hòa, TP. Huế mới tề tựu đông đủ như vậy. Chặng đường hình thành và phát triển của ngôi nhà lam này trong 6 thập kỷ qua như được tái hiện sinh động tại Lễ Chu niên. Trải qua nhiều khó khăn thách thức, đến nay, hơn 100 đoàn sinh, huynh trưởng vẫn duy trì sinh hoạt thường xuyên vào mỗi chiều chủ nhật.
Dù 60 đã trôi qua, thế nhưng Giấy quyết định thành lập tổ chức GĐPT chùa Đốc Sơ cùng rất nhiều con dấu khắc huy hiệu vẫn được các thành viên gìn giữ cẩn thận, như minh chứng cho chặng đường đáng tự hào. Nhiều thành viên từng là đoàn sinh, sau này được huấn luyện lên huynh trưởng tập sự, chính thức, tiếp bước anh chị dưới mái nhà lam.
Với sức trẻ, sự nhiệt huyết, lớp lớp đoàn sinh huynh trưởng GĐPT chùa Đốc Sơ không ngừng phát huy sức mạnh tập thể, chung sức, chung lòng cùng xây dựng đại gia đình áo lam sen trắng tỉnh Thừa Thiên Huế ngày một phát triển.
Mùa hiếu hạnh trên vùng đất lửa Quảng Trị
Vu lan báo hiếu là lễ trọng của Phật giáo, nhằm báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Ở vùng đất lửa Quảng Trị, hơn thế nữa, Vu lan còn là dịp tri ân, tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Đã thành thông lệ, nhiều năm nay, cứ mỗi mùa Vu lan, Tăng Ni, phật tử cũng như người dân Quảng Trị lại tìm đến các cơ sở tự viện, trước là để thắp hương cầu nguyện, tưởng nhớ công lao sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha, sau đó là tri ân các anh hùng liệt sỹ.
Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ (trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Trường Sơn và Đường 9), với gần 61.000 phần mộ liệt sĩ là nơi yên nghỉ của con em từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Vào ngày lễ Vu lan, hầu như ngôi chùa nào trên đất Quảng Trị cũng đông Phật tử, người dân đến để tham dự các nghi thức cầu nguyện và nghe các bài thuyết pháp lề đạo hiếu.
Không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa tôn giáo, Pháp hội Vu lan trở thành nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam, là dịp mỗi người nhắc nhở nhau hai chữ “tri ân” và lan tỏa giá trị tốt đẹp của đạo hiếu.
Vu Lan xa xứ
Dù sống ở đâu, trong nước hay nước ngoài, cứ đến dịp Rằm tháng 7, người Việt Nam đều mong muốn làm những việc có ý nghĩa thiết thực để tỏ lòng biết ơn, báo hiếu ông bà, cha mẹ. Và những ngôi chùa Việt khắp thế giới dịp này cũng tổ chức nhiều hoạt động khác nhau, tạo duyên lành để mọi người đến chùa lễ Phật, cầu bình an cho gia đình. Ngày lễ vu lan cũng góp phần tô thắm thêm truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc ta.
Từ khi còn nhỏ, mỗi dịp đến Rằm tháng 7, bà Trần Thị Tuyết Anh lại được bố mẹ đưa đi chợ để cùng mua đồ lễ và những thứ cần thiết về chuẩn bị những món chay dâng lên bàn thờ tổ tiên. Truyền thống này được bà duy trì cho đến bây giờ. Trong suy nghĩ của bà, lễ Vu lan là nét đẹp văn hóa truyền thống tâm linh của người Việt Nam.
Vào dịp lễ Vu lan, ngoài làm mâm cơm chay ở gia đình, nhiều người Việt tại Viêng – chăn cùng gia đình đến chùa dâng hương, dâng hoa lễ phật, bày tỏ sự tri ân, tấm lòng thành kính biết ơn với tổ tiên ông, bà, cha, mẹ.
Với người Việt Nam, gia đình luôn là nền tảng của xã hội. Mọi giá trị đạo đức, lối sống, và niềm tin đều bắt nguồn từ gia đình. Lễ Vu Lan là dịp để những giá trị này được thể hiện rõ nét và lan tỏa mạnh mẽ. Tại chùa Phật Tích thủ đô Viêng Chăn, rất đông bà con đến tham dự Đại lễ Vu Lan báo hiếu Phật lịch 2568. Đây là hoạt động thường niên của cộng đồng người Việt tại Lào. Bên cạnh các nghi thức truyền thống của Phật giáo Lào và Việt Nam, dịp này, các nhà hảo tâm đã tặng 150 phần quà đến người khó khăn nhằm chia sẻ, động viên bà con vượt lên hoàn cảnh để đoàn kết và yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.
Còn tại Đài Loan (Trung Quốc), mỗi năm theo văn hóa Phật giáo, chùa Linh Ẩn ở Đài Bắc đều tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu phụ mẫu. Rất đông Phật tử Việt Nam, chủ yếu là các bạn sinh viên, anh chị em đang làm việc, các cô dâu lấy chồng Đài Loan,… đến tham dự. Với họ, chùa Linh Ẩn mang đậm nét văn hóa Việt như một nơi để trở về, dù phải xa cha mẹ, bôn ba trên đất khách. Lời kinh bằng tiếng Việt vang lên nơi xứ người, cùng hàng vạn lời nguyện ước…
“Gửi theo gió núi mây ngàn
Lời kinh cầu nguyện Vu lan ngày rằm
Sắt son dạ thảo vạn tầm
Kính dâng phụ mẫu thanh âm tiếng lòng”
Trong tiết Trung nguyên nơi xa xứ, chư Tăng cùng quý Phật tử còn đến ga Đài Bắc tặng quà những người vô gia cư. Qua đó, chùa Linh Ẩn muốn gửi đi thông điệp tinh thần từ bi của nhà Phật và sự yêu thương giữa con người với con người.
Dù ở phương trời nào, thì 2 tiếng “gia đình” mỗi khi cất lên đều thật thiêng liêng, da diết. Bởi lẽ vậy, chùa Viên Ngộ – ngôi chùa Việt Nam đầu tiên ở Hàn Quốc đã thực hiện chương trình “Đêm trà đàm – Lá thư phương xa”. Những lời chia sẻ sách tấn từ chư Tăng ni, những lá thư tràn đầy xúc động, những bài hát về cha về mẹ kính yêu được người con tha phương thể hiện với bao niềm thương nỗi nhớ. Có những câu cảm ơn và cả câu xin lỗi, có những giọt nước mắt và cả nụ cười. Đây cũng chính là món quà ý nghĩa mà mỗi người con tha hương đều muốn gửi gắm dâng tặng tất cả những bậc sinh thành.
Với chủ đề “Bóng cả đời con”, chùa Viên Ngộ còn dành nguyên 1 ngày để bà con Việt Nam cũng như quốc tế trở về tu tập, tụng kinh Vu lan, lắng nghe thuyết pháp về chữ “Hiếu”. “Có bao nhiêu lời yêu thương một lần chưa nói, vì không biết cách nên đành giấu trong tim thôi”. Thế nhưng, trong không khí tràn ngập tình thân khi cài lên ngực áo bông hoa hồng, từ trẻ nhỏ cho đến người già đều vô tư òa khóc. Và chỉ khi rửa chân cho cha mẹ, các bạn trẻ mới được thấy, cảm nhận biết bao vết chai sạn, nhọc nhằn trên đôi chân gầy guộc trên hành trình nuôi con lớn khôn, trưởng thành.
“Tiết tháng bảy mùa Vu lan lại đến
Bao năm trời, con lưu lạc phương xa
Giờ đây chắc ở quê nhà
Mẹ cha dõi mắt theo từng bước con”
Từng câu thơ cất lên mà như giằng xé tâm can mỗi người con xa xứ. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, họ luôn có nơi để trở về – đó là mái chùa Việt nơi phương xa. Trong tiết trời bâng khuâng tháng 7ÂL, các tự viện với chương trình Vu lan đầy ý nghĩa, mang đậm bản sắc dân tộc nơi xứ người, phần nào xoa dịu nỗi nhớ nhà, góp phần phát huy truyền thống đạo hiếu và tự hào dòng máu Việt Nam.
Thủy Đình Chùa Thầy xuống cấp nghiêm trọng
Liên quan đến lĩnh vực di sản, chậm trễ của 1 số địa phương trong việc trùng tu, bảo tồn các di tích Phật giáo. Và điều đáng buồn là dù liên tục phản ánh nhưng ở đâu đó, những công trình trăm tuổi vẫn từng ngày xuống cấp, thậm chí là có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Sau đây là ghi nhận tại chùa Thầy ở TP. Hà Nội.
Những mảng tường lở ló, những viên gạch có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Và những cây cột sắt này là thứ duy nhất đảm bảo sự toàn vẹn cho ngôi Thủy đình thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội.
Là 1 trong những biểu tượng của chùa Thầy, ngôi Thủy đình này là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh truyền dạy múa rối nước cho nhân dân. Tuy nhiên, do sự xuống cấp, môn nghệ thuật này phải hạn chế trình diễn ở chính nơi khai sinh ra nó.
Từ lâu, UBND huyện Quốc Oai đã lập tờ trình gửi lên cơ quan cấp trên xem xét từ năm 2019. Thế nhưng 5 năm trôi qua, kế hoạch tu bổ vẫn chưa thể hình thành do vướng mắc về Quy hoạch cũng như các quy định về bảo tồn di sản.
5 năm đã trôi qua nhưng dự án tu bổ ngôi Thủy đình chùa Thầy vẫn chưa thể hình thành. Và nơi khai sinh nghệ thuật múa rối nước vẫn phải chống chịu bằng chiếc cột sắt như thế này. Và câu hỏi đặt ra là di tích trăm tuổi này có thể chờ đợi đến bao giờ khi sự xuống cấp tăng lên mỗi ngày.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 20.08.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
8 lượt thích 0 bình luận