Bản tin Bchannel – An Viên 24H 21.02.2024

22/02/2024 10:46:38 791 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 21.02.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tưng bừng hội Xuân Tam Chúc năm Giáp Thìn 2024 (Hà Nam); Suối Nguồn Tuệ Giác – Nơi người trẻ tìm về ngày đầu xuân.

Hà Nam: Tưng bừng hội Xuân Tam Chúc năm Giáp Thìn 2024

Sáng ngày 21.02 (nhằm ngày 12 tháng Giêng), tại Hà Nam, chùa Tam Chúc khai hội Xuân Giáp Thìn năm 2024 với chủ đề “Kết nối di sản” gồm nhiều hoạt động cả phần lễ và phần hội. Tham dự có Bà Võ Thị Ánh Xuân – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và chư tôn giáo phẩm GHPGVN.

Theo các câu chuyện dân gian còn được lưu truyền tại địa phương, cách đây hơn một nghìn năm vào thời Nhà Đinh nơi đây là vùng đất Phật, với ngôi chùa Tam Chúc cổ kính và nhân dân địa phương hàng năm vào dịp đầu xuân đều tổ chức lễ hội để cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và đây cũng là chốn hội tụ của Tăng ni, tín đồ Phật tử thập phương.

Một trong những nghi thức tâm linh quan trọng nhất là rước nước – thể hiện lòng thành kính, tri ân chư Phật, thần, thánh, mẫu và nguyện mong mưa thuận gió hòa. Nước được rước đến 3 địa điểm là Điện Tam thế, chùa Ngọc và chùa cổ Ba Sao. Những nghi lễ truyền thống tại Lễ hội chùa Tam Chúc tiếp tục khẳng định Phật giáo luôn gắn kết giữa đạo với đời và đồng hành cùng dân tộc, khơi dậy lòng tự hào và tình yêu quê hương đất nước.

Trong không khí hân hoan đầu xuân năm mới, tỉnh Hà Nam vinh dự nhận cúp vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”  từ đại diện Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards).

Lễ hội Xuân Tam Chúc góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương, quảng bá những truyền thống độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và mảnh đất Hà Nam nói riêng.

Bắc Giang: Linh thiêng hội xuân Tây Yên Tử

Ngày 21.02, tại Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, UBND phối hợp BTS GHPGVN tỉnh Bắc Giang long trọng khai hội Xuân Tây Yên Tử và khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch năm 2024.

Điểm nhấn của sự kiện là Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử, lễ rước Bài vị Tam Tổ Trúc Lâm từ chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng lên chùa Thượng Tây Yên Tử, huyện Sơn Động được thực hiện theo nghi thức phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Chư tôn đức, quy lãnh đạo Tỉnh chúc phúc tân xuân, đánh trống, thỉnh chuông khai hội. Sau đó, các đại biểu thực hiện nghi lễ cầu quốc thái dân an khai ấn.

Đặc biệt, tại chương trình nghệ thuật “Linh thiêng Tây Yên Tử” được dàn dựng công phu, ca ngợi Đức vua tài năng và đức độ Trần Nhân Tông. Thông qua đó khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam. Đồng thời nêu bật được giá trị nhân văn sâu sắc của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Qua đó, giúp cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ nhận thức tốt hơn về truyền thống hào hùng, tốt đẹp của quê hương.

Có thể thấy rằng, lễ hội xuân Tây Yên Tử năm nay đa dạng, tiếp nối, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông; tuyên truyền, quảng bá sâu rộng những giá trị đặc sắc của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách.

Bắc Ninh: Hội Lim Xuân Giáp Thìn 2024 khai hội

Ngày 21.02, Lễ hội Lim Xuân Giáp Thìn 2024 đã chính thức tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc, ý nghĩa.

Hội Lim năm được tổ chức tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa (nay là thị trấn Lim), xã Nội Duệ và xã Liên Bão. Trung tâm lễ hội là núi Hồng Vân (núi Lim) thuộc thị trấn Lim. Trong ngày 21.02 Lễ dâng hương tại chùa Hồng Ân, lăng Tướng công Nguyễn Đình Diễn sẽ được tổ chức trên đồi Lim.

Phần hội tại trung tâm đồi Lim tổ chức hát quan họ tại 12 lán trại và các trò chơi dân gian (Tổ tôm điếm, Thư pháp, hội thơ…).

Ngày 22.02, Ban tổ chức rước sắc từ đình làng Lộ Bao sang Đình Cả và tế lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống tại các đình, đền chùa ở các làng thuộc xã Nội Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim.

Cụm tin địa phương

Đầu xuân Giáp Thìn, các địa phương tổ chức hoạt động gặp mặt, tụng kinh cầu nguyện, đem đến nguồn năng lượng an lành để bắt đầu một năm mới khởi sắc.

Bình Định: BTS GHPGVN tỉnh gặp mặt đầu xuân Giáp Thìn

Tại tỉnh Bình Định, Ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh đã gặp mặt đầu Xuân Giáp Thìn 2024, khánh tuế HT.Thích Nguyên Phước, UVTT HĐTS, Trưởng BTS. Đáp lời, Hòa thượng cảm ơn chư tôn đức, đồng thời điều hành việc báo cáo tình hình đón Tết Giáp Thìn tại các tự viện trong tỉnh cũng như các công tác Phật sự diễn ra trong năm 2024.

Đồng Nai: Trùng tụng kinh Tạng Pali

Sáng ngày 20.02, tại chùa Quảng Nghiêm (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) trang nghiêm diễn ra khóa trùng tụng Tam tạng Pali đầu năm 2024. Tại đây, Chư tôn đức khẳng định ý nghĩa của việc tu và học  theo Tam Tạng, giúp quý Phật tử thấm nhuần lời đức Phật dạy, ứng dụng hiện tiền… tạo sự an lạc trọn vẹn hiện tại và mai sau.

Suối Nguồn Tuệ Giác – Nơi người trẻ tìm về ngày đầu xuân

Những ngày nghỉ cuối dịp Tết Giáp Thìn, hơn 4 nghìn sinh viên đã có mặt tại non thiêng Yên Tử để tham dự khoá tu Suối Nguồn Tuệ Giác, nghe lời dạy của chư tôn đức để bắt đầu năm mới với nguồn năng lượng tích cực.

Hơn 4000 khoá sinh tại khắp các tỉnh thành miền Bắc đã về quây quần tại cung Trúc Lâm Yên Tử. Tại đây, các bạn trẻ được lễ Phật cầu an, tìm hiểu lịch sử Phật giáo Việt, lắng nghe chư tôn đức giảng giải về điều cần làm và nên làm để có đời sống học tập, làm việc an lạc. Và với bài pháp thoại Ước nguyện đầu năm, đại đức Thích Khải Thành thể hóa mong muốn thân khoẻ tâm an qua  những việc làm cụ thể.

Cũng tại khoá tu, các bạn khoá sinh còn được trò chuyện với diễn giả Hiểu Linh, người được dẫn lối bởi Phật Pháp từ năm 2013 và đạt nhiều thành tích xuất sắc từ khi là sinh viên đến khi đi làm. Những kinh nghiệm về nhận biết, vượt qua khó khăn đã được gợi mở với nhiều ví dụ và câu chuyện gần gũi, sinh động. Qua đó, khẳng định sức hấp dẫn, lợi ích, cũng như sự thành công của khoá tu

Ai cũng mong cầu được sửa mình, trở thành phiên bản tốt hơn để thành công và an lạc. Vì vậy các bạn trẻ đã dành ngày nghỉ Tết để tìm về, quây quần dưới mái già lam thay cho những chuyến du lịch đã khẳng định sức hút, cũng như giá trị mà khoá tu mang lại. Và dù cho mỗi người sẽ thu gặt những bài học, trải nghiệm khác nhau, nhưng chắc chắn những hạt mưa tuệ giác đã được gieo xuống, bắt đầu cho hành trình suối nguồn từ bi – trí tuệ được khơi thông.

Góp phần gìn giữ, bảo tồn cây di sản

Trong tiến trình phát triển của con người, cây xanh luôn gắn kết mật thiết. Có những cây xanh tuổi đời hàng, hàng ngàn năm, là chứng nhân của lịch sử, chứng kiến sự đổi thay của cả một vùng đất… Từ năm 2010, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã khởi xướng việc tuyển chọn, vinh danh cây di sản với tên gọi “Bảo tồn cây di sản Việt Nam”. Cây di sản không chỉ mang giá trị về lịch sử, văn hóa mà còn là niềm tự hào của nhân dân mỗi địa phương. Những người con Phật với triết lý sống hài hoà, tôn trọng tự nhiên cũng góp phần quan trọng vào công cuộc bảo tồn và gìn giữ những cây di sản như thế.

Chùa Láng ở Đống Đa, Hà Nội, ngoài giá trị lịch sử, văn hóa và không gian kiến trúc độc đáo, lâu đời thì trong khuôn viên chùa còn sở hữu 9 cây muỗm và 3 cây nhãn cổ thụ tuổi đời từ 500 đến trên 700 năm, đã được công nhận là cây di sản. Đây được xem là tài sản vô cùng quý giá của chùa và địa phương nên luôn được quan tâm, bảo vệ cẩn trọng. Bên cạnh đó, dựa trên kinh nghiệm, quan sát và nghiên cứu đặc tính của từng chủng loại cây và thổ nhưỡng, Ban QL di tích chùa Láng đã đề ra phương án chăm sóc các cây di sản này khá khoa học.

Mặc dù đã hàng trăm năm tuổi nhưng những cây muỗm, cây nhãn ở chùa Láng vẫn cường tráng với tán cây rộng, thân cây to 2-3 người ôm không xuể, nhiều cành, nhiều tán vững chãi, toả bóng mát. Không chỉ gắn với dấu mốc phát triển và các nghi lễ của chùa, những cây cổ thụ này từ lâu đã đi vào đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Hà Nội.

Hà Nội hiện nay có hàng nghìn cây di sản ở khắp các quận huyện, trong đó có những cây trên 1.000 năm tuổi. Đặc biệt, mỗi cây di sản đều gắn liền với sự hình thành của những ngôi chùa hay đền, đình, miếu của các làng, xã v.v.. Cây di sản không chỉ mang giá trị về lịch sử, văn hoá mà còn góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Tại tỉnh Bắc Ninh, ngày 20/10/2023, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận 2 cây thị cổ thụ tại chùa Tổ, thị xã Thuận Thành, là Cây Di sản. Hai cây thị cổ thụ có tuổi đời trên 350 năm, cao khoảng 25m, đường kính gốc khoảng 2m, tán lá rộng sum suê và đang phát triển xanh tốt. Việc công nhận Cây di sản giúp cho người dân hiểu được những giá trị to lớn của cây, của chứng tích lịch sử.

Để 2 cây Thị có tuổi đời hàng trăm năm đến ngày hôm nay là cả một quá trình gìn giữ và chăm sóc của chùa, nhân dân địa phương. Việc bảo vệ Cây di sản không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn tại chỗ đa dạng loài cây và gen thực vật mà còn là hoạt động thiết thực phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.

Bảo tồn Cây Di sản còn giáo dục cộng đồng biết trân quý những giá trị lịch sử, mà còn là bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã chung tay gìn giữ, bảo tồn, chăm sóc Cây Di sản và xây dựng không gian sống xanh ăn – sạch – đẹp.

Cụm di tích Đình – Đền – Chùa Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn vẫn giữ được những nét đẹp cổ kính “cây đa, giếng nước, sân đình”, một biểu tượng cho vẻ đẹp của làng quê Bắc Bộ. Bên cạnh các công trình mang kiến trúc, nơi đây đang bảo tồn 9 Cây di sản hàng trăm năm tuổi. Cụm di tích trở thành điểm du lịch tiêu biểu, thu hút đông đảo du khách thập phương mỗi khi về với vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc. Đây không chỉ là niềm tự hào, mà còn là trách nhiệm của cộng đồng dân cư, trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Cả nước hiện có khoảng 8.000 cây di sản ở hầu khắp tỉnh, thành phố, từ thành thị đến miền biên giới, hải đảo xa xôi như huyện đảo Lý Sơn, Côn Đảo, Trường Sa… Việc chăm sóc, bảo tồn cây di sản không chỉ thể hiện đạo lý nhân văn, tri ân tiền nhân, mà còn góp phần lưu giữ nguồn gen quý, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Cây di sản gắn với các di tích sẽ trở thành địa điểm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh độc đáo.

Cụm tin văn hoá

Độc đáo lễ nghinh thần hội chùa Ông

Từ ngày 19 – 22.02 tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ hội chùa Ông năm 2024. Đây là hình thức đưa các vị thần dân gian, các vị công thần khai phá, mở mang vùng đất Biên Hòa đi tham quan dân tình nhân dịp đầu năm mới. Qua đó, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Lễ hội là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chùa Ông được xây dựng cách đây 340 năm, đây là ngôi chùa có niên đại sớm nhất ở Nam Bộ.

Lễ hội hương sắc Trà xuân

Trong khi đó, ngày hôm qua 20/2, tại Không gian văn hóa Trà Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên l lễ hội “Hương sắc Trà xuân – Vùng chè đặc sản Tân Cương” diễn ra với nhiều hoạt động phong phú; trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các xã vùng chè đặc sản Tân Cương. Hoạt động này nhằm tôn vinh người trồng, chế biến và quảng bá chè Tân Cương, chè Thái Nguyên vốn được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà”.

Tri ân, tưởng nhớ công lao của vua Lê Thái Tổ

Cùng thời gian này, Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ Xuân Giáp Thìn 2024 đã khai hội tại tỉnh Lai Châu nhằm tưởng nhớ công lao người Anh hùng dân tộc – Vua Lê Thái Tổ. Qua đó, khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử, yêu nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 21.02.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

20 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2551 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1507 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3676 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2619 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4593 lượt xem 0 Bình luận