Bản tin Bchannel – An Viên 24H 22.07.2024

23/07/2024 11:24:38 5353 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 22.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Phật giáo các địa phương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; TP.HCM: Lễ truy niệm, phụng tống kim quan cố Hòa thượng.Thích Huệ Trí; Kết quả ban đầu triển khai thí điểm Hệ thống Dữ liệu Tăng Ni, Phật Tử.

Phật giáo các địa phương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần là tổn thất to lớn đối với đất nước và gia quyến. Cùng chung niềm tiếc thương vô hạn và sự tri ân sâu sắc, Phật giáo nhiều địa phương đã tổ chức Lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tại chùa Thiên Châu, thành phố Tân An, lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được BTS GHPGVN tỉnh Long An  tổ chức trong không khí trang nghiêm. Tại đây, chư tôn đức ôn lại tiểu sử, quá trình công tác của Cố Tổng Bí thư. Từ đó tiếp tục động viên tăng ni, phật tử phát huy tinh thần “Hộ quốc an dân”, đồng hành cùng dân tộc trong khối đại đoàn kết, chăm lo công tác an sinh xã hội.

Còn tại tỉnh Hà Nam, chùa Tam Chúc đã cử hành khóa lễ tụng kinh cầu siêu và dâng hương tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chùa cũng lập hương án để người dân tùy duyên đến chùa thắp hương tưởng niệm, nhớ lại di nguyện của cố Tổng bí thư để phát huy tinh thần hòa hợp giữa đạo và đời, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Cũng với sự tiếc thương vô hạn, chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức lễ tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Điện Tam thế. Trong khói hương trầm quyện tỏa, chư tôn đức, quý Phật tử dâng hương, tụng kinh cầu siêu cố Tổng bí thư được vãng sinh cực lạc. Những hình ảnh cố Tổng Bí thư về thăm tỉnh Ninh Bình và Bái Đính – Tràng An luôn được lưu giữ trong lòng của người dân nơi đây về vị lãnh đạo dung dị, hết mình vì nước vì dân.

Một đời ngát hương thơm

Sự ra đi của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại niềm tiếc thương vô hạn. Tại các tỉnh phía Nam, dù chưa đến ngày quốc tang, nhưng rất đông người dân đã đến các tự viện để bày tỏ lòng tưởng nhớ tới vị lãnh đạo vì dân vì nước, sống một đời ngát hương thơm đạo đức.

Có mặt từ sáng sớm tại chùa Vĩnh Nghiêm – TP.HCM, anh Nguyễn Kim Long đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, dâng lên những nén tâm hương để tỏ lòng thành kính tới cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chưa thể sắp xếp thời gian, công việc như anh Long, nhiều Phật tử cho biết, việc di ảnh của cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú trọng đặt phía sau chính điện chùa Vĩnh Nghiêm đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp người dân bày tỏ niềm tiếc thương, kính trọng tới người lãnh đạo gần gũi với nhân dân.

Trước di ảnh của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, chị chị Phương Anh đã không thể kìm nén được những tình cảm của mình dành cho tấm gương vì nước, vì dân.

Chùa Vĩnh Nghiêm cũng tổ chức tụng kinh Sám Nguyện và hồi hướng từ 9h đến 10h30 sáng và từ 3h đến 4h30 chiều để cầu nguyện Người nhẹ gót. Việc làm có ý nghĩa này thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của người dân TP Hồ Chí Minh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung tới vị lãnh đạo trọn đời cống hiến cho dân tộc.

Còn tại Sóc Trăng, trong những ngày này chùa Som Rông, phường 5, thành phố Sóc Trăng đón nhiều phật tử đến làm lễ nhập hạ. Dù vậy, bầu không khí như trầm lắng lại khi chư tăng và phật tử được thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Đối với cá nhân Thượng tọa Lý Minh Đức thì đây là mất mát lớn bởi TT đã từng vinh hạnh trò chuyện và được Tổng Bí thư nhắn nhủ nhiều điều.

Trong tháng 3 vừa qua, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Học tập, tuyên truyền cuốn sách “Phát huy truyền thống Đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 125 điểm cầu trong tỉnh nên có nhiều cán bộ và nhân dân lĩnh hội. Tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc được mọi người lan tỏa sâu rộng.

Chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng từng vinh dự đón cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm, làm việc, gợi mở nhiều định hướng lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Đối với đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung tư tưởng và trí tuệ của cố Tổng Bí thư sẽ là tấm gương sáng về lối sống giản dị và tận tâm cống hiến cho đất nước.

TP.HCM: Lễ truy niệm, phụng tống kim quan cố Hòa thượng.Thích Huệ Trí

 Ngày 21/7, Ban Tổ chức Lễ tang, Văn phòng II TƯ, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sơn môn pháp phái, môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tổ chức Lễ truy niệm, phụng tống kim quan cố Hòa thượng Thích Huệ Trí, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự trở về quê hương cố đô Huế.

Tại lễ truy niệm, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, UVTT HĐCM tuyên đọc tiểu sử cố Hòa thượng Thích Huệ Trí, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Phó Trưởng ban Tăng sự TƯ, Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ, Chủ tịch HĐTS đọc lời tưởng niệm, tán thán công đức to lớn của cố HT.Thích Huệ Trí cho Đạo pháp và Dân tộc. Với 73 năm trụ thế, 50 hạ lạp, Hòa thượng đã cống hiến trọn đời mình, phục vụ nhân sinh, để lại tấm gương đạo hạnh sáng ngời.

Sau khi chư tôn giáo phẩm thắp hương tưởng niệm trước Giác linh đài Hòa thượng Thích Huệ Trí lần sau cuối, nghi thức thiền môn được cử hành để phụng tống kim quan cố Hòa thượng tân viên tịch, rời thiền viện Quảng Đức – nơi Hòa thượng đã gắn bó, nhiệt tâm, nhiệt tình trong công tác Hành chánh Giáo hội qua 40 năm. Môn đồ hiếu quyến cung thỉnh nhục thân ngài trở về tổ đình Kim Tiên (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Lễ di quan nhập tháp vào lúc 6 giờ ngày 25-7 (20-6-Giáp Thìn), tại tổ đình Kim Tiên.

Ban Hoằng pháp và KT-TC TƯGH tiếp tục thăm trường hạ

Tiếp tục chuyến thăm và cúng dường trường hạ tại các tỉnh, trong 2 ngày 21 và 22/07, đoàn chư Tôn đức lãnh đạo Ban Hoằng pháp và Ban Kinh tế Tài chính TƯGH đã đến thăm các tỉnh nhằm động viên, trợ duyên chư Tăng Ni đang cấm túc an cư.

Sáng nay ngày 22/7, tại Hà Nội, Đoàn Ban Hoằng pháp, Ban KTTC TƯGH đã đến thăm trường hạ chùa Bồ Đề với 128 hành giả đang an cư tu học. Đại diện phái đoàn đã có đôi lời chia sẻ và trao tịnh tài trợ duyên trường hạ, thăm hỏi, chúc mùa an cư viên mãn, hỷ lạc.

Tiếp đó, phái đoàn đã đến chùa Bầu, thăm 348 hành giả an cư tại 4 trường hạ thuộc tỉnh Hà Nam. Tại đây, đại diện đoàn gửi tịnh tài, phẩm vật đến hạ trường, đồng thời sách tấn và nguyện cầu chư Tăng Ni toàn tỉnh được nhiều thuận duyên trên con đường tu học.

Sáng nay, ngày 22/6, tại trường hạ Chùa Táo, BTS GHPGVN tỉnh Hưng Yên cung đón chư tôn đức Ban Hoằng pháp và Ban Kinh tế – Tài chính TƯGH đến thăm, cúng dường. Dịp này, Hòa thượng Thích Thanh Hiện, UVTT HĐTS, Trưởng BTS  tri ân sự quan tâm của chư tôn đức trong đoàn đã quan tâm sự tu học chư hành giả an cư địa phương.

Cũng trong sáng nay, đoàn đã đến Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, nghe BTS GHPGVN tỉnh thông tin về công tác An cư kiết hạ, kết quả hoạt động Phật sự 6 tháng đầu năm 2024. Đoàn đã sách tấn chư hành giả cần nỗ lực, chuyên tâm tu tập Giới – Định – Tuệ trong 3 tháng an cư và cúng dường tịnh tài, tịnh vật các trường hạ.

Chiều cùng ngày đoàn đã đến thăm hạ trường chùa Bảo Tịnh, tỉnh Phú Yên. HT.Thích Đồng Tiến, UV HĐTS, Trưởng BTS thay mặt chư hành giả tri ân đoàn, thông tin tình hình sinh hoạt, tu học của chư Tăng, Ni tại địa phương. Dịp này, đoàn đã trao tịnh tài, tịnh vật cúng dường và thuyết giảng đến các hành giả tham dự.

Trước đó, ngày 21/07, đoàn đã đến trường hạ chùa Pháp Hóa, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi thăm Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và 336 chư hành giả đang cấm túc an cư tại 5  trường hạ tập trung. Đoàn đã có lời sách tấn chư tăng ni cần nghiêm trì giới luật, trau dồi Tam vô lậu học, gởi cúng dường tịnh tài tịnh vật và có thời pháp thoại chia sẻ đến hành giả trong tỉnh.

Chư Tăng Nam Tông Khmer nhập hạ

Vừa qua, chư Tăng các tự viện Nam Tông Khmer trên địa bàn TP. Cần Thơ đã bắt đầu đồng nhập hạ. Theo đó, 3 tháng an cư có ý nghĩa quan trọng để chư hành giả thúc liễm thân tâm, trau dồi tam vô lậu học.

Chư tăng Nam Tông Khmer bắt đầu an cư kiết hạ sau lễ Rằm tháng 6 một ngày. Trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh, chư Tăng cử hành nghi thức truyền thống Phật giáo như: niêm hương bạch Phật, lễ bái Tam bảo, hành lễ chính thức nhập hạ, tụng thời kinh chúc phúc lành đến toàn thể Phật tử.

Trước đó, quý Phật tử tác bạch duyên sự dâng y tắm mưa và dâng nến cúng dường. Năm nay, TP. Cần Thơ có hơn 130 chư Tăng Khmer an cư tại 12 chùa; đông nhất là tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer với 52 vị.

Cũng với ý nghĩa tương tự, tại chùa Huyền Không Sơn Thượng, thành phố Huế cũng trang nghiêm diễn ra lễ khai hạ, dâng y tắm mưa và dâng cúng Đại tạng Kinh Tam Tạng thánh điển Pali đến chư Tăng . Dịp này, Ban chức sự nhắc nhở hành giả giữ tứ oai nghi trong chính niệm, nêu cao ý thức tự giác cũng như tuân thủ nội quy trường hạ.

Kết quả ban đầu triển khai thí điểm Hệ thống Dữ liệu Tăng Ni, Phật Tử

Nghị quyết của Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN giữa năm 2024 đề nghị Ban Thư ký, Văn phòng Trung ương Giáo hội tiếp tục phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố triển khai ứng dụng phần mềm quản trị dữ liệu Tăng Ni, Phật tử kết nối với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư. Bắc Ninh, Thái Nguyên là 2 địa phương đầu tiên được chọn thí điểm thử nghiệm. Trong chuyên mục tiêu điểm ngày hôm nay, kính mời quý vị cùng theo dõi các kết quả ban đầu khi triển khai ứng dụng cũng như những khó khăn, thuận lợi của Phật giáo các địa phương.

Bắc Ninh là địa phương đầu tiên được TƯGH phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (C06), Bộ Công An tập huấn về hệ thống quản trị dữ liệu Tăng Ni, Phật tử cho BTS GHPGVN cấp tỉnh. Thời gian đầu tiếp cận, chư Tăng Ni, Phật tử gặp không ít khó khăn, bởi có khá nhiều trường dữ liệu cần phải điền, việc phân cấp, phân quyền cũng phải thực hiện rõ ràng.

Đây là 1 hệ thống mới, sau hơn 1 năm xây dựng và triển khai, đã cho ra mắt 3 trụ cột gồm: ứng dụng “VNPHATTU”, website Cổng hành chính điện tử và website Hệ thống Quản trị dữ liệu Tăng, Ni, Phật tử. Tại mỗi tỉnh thành, chư Tăng Ni, Phật tử được giới thiệu các nội dung gồm: Tổng quan về Hệ thống Quản trị dữ liệu Tăng Ni Phật tử, quy trình và thực hành nhập thông tin; kê khai hồ sơ; cấp đổi – cấp lại Chứng nhận Tăng Ni; tiếp nhận và xử lý hồ sơ thụ giới, thuyên chuyển, Quản trị dữ liệu Phật tử; đặt Pháp danh cho Phật tử; tổ chức Lễ Quy y Tam bảo, cấp chứng điệp Thụ tam quy.

Triển khai lần đầu tiên vào ngày 3/6, đến thời điểm hiện tại, sau hơn 6 tuần, chư Tăng Ni, Phật tử tỉnh Bắc Ninh vẫn đang được hỗ trợ nhập dữ liệu hồ sơ. Bởi toàn tỉnh có hơn 500 Tăng Ni đang sinh hoạt, tu học. Vất vả lúc ban đầu, nhưng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia hiện nay, các hệ thống như thế này sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể công việc hành chính cho chư Tăng Ni, giúp nâng cao hiệu quả của các hoạt động phật sự.

Sau khi được hướng dẫn, Chư tôn đức tỉnh Bắc Ninh cũng kịp thời triển khai đến từng chùa, từng đạo trạng và nhận sự hưởng ứng của đông đảo Phật tử. Từ người già đến người trẻ, ai nấy đều hào hứng học cách sử dụng. Bởi với ứng dụng này, họ được tiếp cận thông tin chính thống, nghe chư tôn đức thuyết giảng trực tuyến theo đúng chính pháp, đáp ứng nhu cầu tu học.

Sau thành công tại Bắc Ninh, Thái Nguyên là địa phương tiếp theo triển khai thí điểm hệ thống quản lý tăng ni, phật tử. Trong các cuộc họp, chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh thường xuyên trao đổi, thông tin ưu điểm, tầm quan trọng của việc áp dụng chuyển đổi số. Từ đó, các tự viện, BTS GHPGVN các huyện phối hợp chặt chẽ, lên danh sách chư tăng, ni, phật tử do đơn vị quản lý.

Có thể nói công cuộc chuyển đổi số Quốc gia nói chung, việc triển khai thí điểm phần mềm này nói riêng góp phần giảm đáng kể công việc hành chính cho chư tăng ni, giúp nâng cao hiệu quả, hỗ trợ phương thức trực tuyến giảng pháp đến công chúng. Qua đó góp phần vào khối đại đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc. Bởi vậy mà trong thời gian tới, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH và TƯGH sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thí điểm các chức năng của phần mềm, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, thân thiện, tiện lợi cho người sử dụng tại các tỉnh thành miền Bắc, trước khi triển khai mở rộng trên toàn quốc.

Chuyển đổi số trong hoạt động Phật sự giúp thuận tiện cho công tác điều hành, quản lý là điều đã có thể thấy rõ. Bên cạnh việc giúp cho tăng ni, phật tử dễ dàng tra cứu thông tin và thực hiện nhiều thủ tục online, hệ thống phần mềm quản lý tăng ni, phật tử còn giúp cho người dân dễ dàng nhận diện các đối tượng giả làm tăng ni, “núp bóng” Phật giáo để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Hệ thống quản lý xuyên suốt sẽ định danh được tu sỹ, định vị được trú xứ. Khi đã được ghi danh, quản lý trên hệ thống, sẽ khó có thể xảy ra tình trạng các nhóm đối tượng lợi dụng tôn giáo để lừa đảo người dân, hoặc giả danh làm từ thiện.

Như vậy, việc chuyển đổi số trong quản lý tăng ni, phật tử không chỉ mang lại lợi ích cho Phật giáo mà còn có lợi cho toàn xã hội. Ngoài mã số định danh của công dân còn có mã số định danh của người xuất gia.

Có thể thấy rằng, nhờ chủ trương và sự chỉ đạo TƯGH và sự nhất tâm hiệp lực của toàn thể Tăng Ni, Phật tử, công tác chuyển đổi số đã và đang cho thấy tính ưu việt, tạo sự thống nhất, thuận tiện quản lý đồng thời đáp ứng và theo kịp sự phát triển của thời đại kỷ nguyên số.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 22.07.2024:

 

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

9 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2620 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1637 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3729 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2693 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4634 lượt xem 0 Bình luận