Bản tin Bchannel – An Viên 24H 23.03.2024

25/03/2024 09:13:24 5604 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 23.03.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Việt Nam chính thức đăng cai Đại lễ Vesak LHQ năm 2025; Nhà Đinh với chính sách trọng dụng Phật giáo; Nâng cao nhận thức xanh cho cộng đồng.

Việt Nam chính thức đăng cai Đại lễ Vesak LHQ năm 2025

Ngày 23/3, tại hội Thủ đô Bangkok, Thái Lan, Uỷ ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc đã họp, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng. Tại đây, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế TƯGH cùng chư tôn giáo phẩm đại diện Phật giáo Việt Nam tham dự Hội nghị.

Hội nghị đã thống nhất về chủ đề Đại Lễ Vesak LHQ năm 2024 là “Cách xây dựng niềm tin và đoàn kết của Phật giáo” với 3 chủ đề phụ: Ứng dụng chánh niệm Phật giáo đối với sức khỏe; Con đường Phật giáo xây dựng niềm tin và cộng sự toàn cầu; Sự thích ứng của giáo dục Phật giáo đối với xã hội hoà hợp. Đại lễ năm nay diễn ra trong 2 ngày từ 19-20/5 tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan.

Cũng trong Hội nghị, Thượng tọa. Thích Đức Thiện đã đưa đề nghị và được sự chấp thuận về việc tổ chức Đại lễ Vesak LHQ năm 2025 tại Việt Nam. Theo đó, Ủy ban thống nhất Đại lễ Vesak năm 2025 diễn ra vào ngày 7-9/5/2025 tại TP. HCM với chủ đề dự kiến “Đoàn kết, thống nhất và hợp tác: tuệ giác Phật giáo vì hoà bình thế giới và phát triển bền vững”.

Chiều cùng ngày, các thành viên Ủy ban đã có cuộc gặp với đại diện Chính phủ Thái Lan để bàn kế hoạch tổ chức đại lễ. Theo đó, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 72 của nhà vua Thái Lan, trong khuôn khổ đại lễ sẽ có nhiều hoạt động chúc mừng. Riêng đoàn Việt Nam sẽ gửi đoàn nghệ thuật tham dự. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng công viên Phật giáo quốc tế, và Thượng tọa. Thích Nhật Từ đề nghị nên cấp đất cho Phật giáo các nước để xây dựng chùa quốc tế tại đây.

Nghệ An: Họp trực tuyến trao đổi về Thông tư 04/2023/TT-BTC

Ngày 22/3, BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An đã có phiên họp trực tuyến, để trao đổi thông tin về thông tư 04/BTC (Bộ Tài Chính) kiểm tra quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Tại phiên họp, chư tôn đức rà soát lại danh mục các tự viện được công nhận di tích và thuộc danh mục kiểm kê di tích. Đồng thời, thảo luận và có những hướng dẫn cụ thể đối với các chùa nhận văn bản yêu cầu kiểm tra thu, chi tiền công đức, tài trợ tại các di tích để thực hiện đúng theo quy định.

Thời gian tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh cũng trao đổi với chư tôn giáo phẩm lãnh đạo TƯGH và có những kiến nghị với các cơ quan ban ngành địa phương liên quan đến việc các chùa trên địa bàn tỉnh bị đưa vào danh mục kiểm kê di tích, cũng như để hiểu rõ hơn về Thông tư 04/BTC và thực hiện theo đúng quy định nhà nước.

Hải Phòng: Dâng hương tưởng niệm cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Nhân kỷ niêm 44 năm ngày mất của cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, đoàn đại biểu thành phố Hải Phòng, đại diện BTS GHPGVN TP đã tới dâng hương tưởng niệm tại Đền thờ cố Chủ tịch nước – xã Tiên Cường, huyện Tiên Lãng.

Trong không khí trang nghiêm, phái đoàn đã làm lễ dâng hương tưởng niệm cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tại Đền thờ Bác Tôn trong khuôn viên Khu lưu niệm. Đồng thời, ôn lại cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của cố Chủ tịch nước đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Đất nước, là tấm gương sáng, niềm tự hào của Dân tộc nói chung và của đồng bào, Phật tử, nhân dân huyện Tiên Lãng nói riêng.

Tại đây, đoàn đại biểu đã bày tỏ niềm xúc động khi thăm Đền thờ cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và tri ân Ban trị sự GHPGVN huyện Tiên Lãng đã phát tâm xây dựng Khu lưu niệm.

Quảng Ninh: Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Cô Tô

Huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh được thành lập theo Nghị định số 28/CP ngày 23/3/1994 của Chính phủ, trên cơ sở tách hai xã Cô Tô và Thanh Lân trên quần đảo Cô Tô thuộc huyện Cẩm Phả (cũ) nay là huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Trải qua 30 năm, nay Cô Tô đã trở thành huyện đảo phát triển, thu hút du lịch, giúp người dân yên tâm bám đảo.

Huyện Cô Tô có hơn 50 hòn đảo lớn, nhỏ tạo thành quần đảo Cô Tô, trong đó có ba đảo lớn là Cô Tô, Thanh Lân, đảo Trần. Sau 30 năm, từ một huyện nghèo, đến nay Cô Tô đã có sự thay đổi rõ rệt về cơ sở hạ tầng, về phát triển kinh tế và nâng cao đời sống cho nhân dân. Trong đó, huyện đã cùng với BTS GHPGVN tỉnh xây dựng nhiều ngôi chùa, đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh cho bà con.

Từ khi UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án xây chùa Trúc Lâm tại huyện đảo Cô Tô năm 2015 và đảo Trần năm 2021, đến nay 2 ngôi chùa khang trang như thể gửi gắm tình cảm và trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng trong từng viên gạch, mái ngói. Các tự viện tổ chức nhiều sinh hoạt tâm linh, thu hút hàng ngàn người dân và du khách tham gia.

Như vậy có thể thấy, sự nỗ lực của lãnh đạo các ban ngành tỉnh Quảng Ninh, huyện Cô Tô và GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã tạo nên đời sống phát triển, ổn định cho người dân, hướng tới trở thành trung tâm du lịch, đặc sắc về văn hóa và sinh thái biển đảo.

CỤM TIN TỪ THIỆN

Dựa trên tinh thần từ bi, cứu khổ của đạo Phật, vừa qua Phật giáo một số địa phương đã tổ chức nhiều chương trình từ thiện ý nghĩa nhằm giúp đỡ người dân, hộ gia đình khốn khó trong xã hội.

Tại chùa Phước Minh (huyện Hàm Thuận Nam)  Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh Bình Thuận và quý mạnh thường quân đã trao 100 phần quà trị giá 35 triệu đồng cho học sinh tiểu học người dân tộc xã miền núi Hàm Cần. Qua đó, góp chút yêu thương giúp các em cố gắng vươn lên trong học tập.

Cùng thời gian này, đại diện BTS GHPGVN TP. Đà Nẵng, cùng quý Phật tử tặng 380 suất quà, 1 giếng nước, 7 chiếc xe đạp đến bà con và học sinh miền núi huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Tổng kinh phí quà tặng là 160.000.000đ nhằm động viên tinh thần học sinh khắc phục khó khăn,vươn lên trong học tập nhằm giúp ích cho đời.

Những người trẻ tích cực hỗ trợ người nghèo

Lâu nay ở tỉnh Đồng Nai, bà con có hoàn cảnh khó khăn đã không còn quá xa lại với một nhóm thiện nguyện gồm nhiều bạn trẻ làm những công việc khác nhau nhưng cùng chung lý tưởng, mong muốn cống hiến cho cộng đồng. Đó là Nhóm thiện nguyện “Vạn Sự Tùy Duyên” với nhiều chuyến đi khắp các địa bàn khó khăn trong và ngoài tỉnh để mang tới niềm vui, hạnh phúc cho bà con nghèo.

Đây là gia đình bà Võ Thị Xuân Nga ở xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Trước đây, 5 thành viên gia đình bà phải sống trong túp lều thưng ván gỗ, chỉ rộng chừng 10m2. Hoàn cảnh rất khốn khó. Từ khi được nhóm thiện nguyện “Vạn sự tùy duyên” cùng các nhà hảo tâm chung tay, góp sức, giúp đỡ, gia đình bà đã cất được một căn nhà kiên cố.

Nhiều năm nay, chùa Vĩnh Đức được Nhóm thiện nguyện hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm, lương thực để chăm sóc, nuôi dạy 27 cháu nhỏ mồ côi. Các em ở đây được học hành đầy đủ, có em đã trưởng thành, có gia đình, công việc ổn định.

Không chỉ hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Nhóm thiện nguyện còn mở rộng phạm vi thiện nguyện đến nhiều tỉnh, thành có hoàn cảnh khó khăn, nơi đồng bào gặp thiên tai, dịch bệnh.

Được thành lập năm 2011 với mục đích ban đầu là kêu gọi và tham gia hiến máu, duy trì bếp ăn tình thương ở Bệnh viện huyện Long Thành. Trải qua hơn 10 năm hoạt động, Nhóm thiện nguyện “Vạn Sự Tùy Duyên” phát triển, kêu gọi xã hội giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Việc làm ý nghĩa của những người trẻ đã nhân thêm nhiều tấm lòng nhân ái, làm cho cộng đồng thêm tốt đẹp.

CỤM TIN QUỐC TẾ

Tại Bangladesh, chư Tăng tại thủ đô Dhaka đã thực hiện hoạt động thiện nguyện truyền thống hơn 10 năm nay. Đó là cung cấp bữa ăn miễn phí cho người Hồi giáo khó khăn trong tháng Ramadan.

5h30 chiều mỗi ngày trong tháng Ramadan, chư Tặng tại chùa Dharmarajika phân phát khoảng 100 suất ăn (được gọi là iftar) cho người khó khăn địa phương. Hoạt động được khởi xướng bởi  Hội đồng Tăng già tối cao Bangladesh, duy trì hơn 1 thập kỷ qua, được coi như một biểu tượng của sự hòa hợp xã hội giữa các cộng đồng tôn giáo ở Bangladesh. Cùng với đó, hiện chư Tăng chùa Dharmarajika còn cung cấp nước ngọt cho khoảng 300 người mỗi ngày và nhận chăm nuôi hơn 700 trẻ mồ côi.

Trong khi đó tại Hàn Quốc, một vị Tăng lại có sáng kiến nhằm lan toả tình yêu Phật giáo tới mọi người dân. Theo đó, sáng kiến giới thiệu công chúng lời dạy của đức Phật một cách giản dị, dễ hiểu, đời thường thông qua nhân vật phim hoạt hình Eorasim, có khả năng ca hát, vui nhộn, thân thiện. Thông điệp của bộ phim muốn phá bỏ ranh giới giữa Phật giáo và cuộc sống hàng ngày, giải quyết những bức xúc của xã hội đương đại qua thông điệp chữa lành ngắn gọn.

Nhà Đinh với chính sách trọng dụng Phật giáo

Lễ kỷ niệm 1100 năm ngày sinh của Đức vua Đinh Tiên Hoàng. Là vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc thuộc, người đã có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn. Ngài đã mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ tại nước ta, đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển Phật giáo. Hình trôi

Năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành dự án khai quật khảo cổ học tại khu trung tâm di tích Cố đô Hoa Lư. Tại đây, xuất lộ đoạn tường thành dài trên 30m, những viên gạch hình chữ nhật, màu đỏ tươi, có in chữ: “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (gạch Đại Việt xây thành), một loại gạch phổ biến dưới triều Đinh. Bên cạnh đó, nhiều hiện vật lá đề, tháp cổ và bệ sen, biểu tượng của Phật giáo cũng được tìm thấy. 

Đặc biệt, trước đó vào năm 1963, tại các cuộc khai quật khảo cổ học ven bờ phải sông Hoàng Long và vùng ngoại thành kinh đô Hoa Lư, 49 bộ cột kinh bằng đá xanh đã được tìm thấy. Theo nghiên cứu, hiện vật trên do Nam Việt vương Đinh Liễn, con trai trưởng Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng.

Cũng lưu giữ cột kinh – bảo vật quốc gia, chùa Nhất Trụ trong quần thể danh thắng cố đô Hoa Lư không chỉ là tự viện quan trọng của Phật giáo tỉnh Ninh Bình, mà còn là không gian văn hóa tín ngưỡng, địa điểm tổ chức hội hè, tế lễ hàng năm của nhân dân địa phương. Tương truyền, xưa chùa là nơi vua quan triều Đinh thường lui tới lễ Phật cầu an.

Với những hiện vật và di tích Phật giáo để lại, có thể thấy Cố đô Hoa Lư chính là một trung tâm Phật giáo thế kỷ X. Phật giáo được coi là tôn giáo chính của dân tộc Việt Nam với tư tưởng nhân sinh quan, thế giới quan đã chi phối tích cực đối với đời sống xã hội. Các thiền sư trở thành bậc trí giả có nhiều đóng góp quan trọng đối với triều đại.

Dù chỉ tồn tại vỏn vẹn 12 năm nhưng vương triều nhà Đinh đã định hình nền văn hóa – chính trị đến 4 thế kỷ sau đó của Nhà nước Đại Cồ Việt và Đại Việt. Đáng chú ý, lần đầu tiên trong lịch sử, Phật giáo được tôn lên hàng Quốc giáo của 1 chính thể trung ương tập quyền tại Việt Nam. Điều này đến từ triết lý từ bi – trí tuệ – nhân văn của Phật giáo.

Thêm một lý do nữa để Phật giáo được nhà Đinh trọng dụng là bởi rất nhiều trí thức, quan lại trong xã hội bấy giờ đều chịu ảnh hưởng, có hiểu biết về Phật giáo. Và hơn hết là xuất phát từ bối cảnh đất nước với nền thống nhất, độc lập mới được khôi phục, Nhà nước Đại Cồ Việt cần một điểm tựa về tinh thần và cả nhân lực để xây dựng, quản lý đất nước. Trong bối cảnh ấy, khi chư Tăng đều là trí thức, sân chùa là trung tâm văn hóa – giáo dục của cộng đồng thì việc Đinh Tiên Hoàng mời các nhà sư dấn thân giúp nước cũng là điều dễ hiểu.

Biểu hiện rõ nhất cho thấy vai trò của Phật giáo thời nhà Đinh là việc Đinh Tiên Hoàng thành lập Tăng ban, mời chư Tăng làm cố vấn cho hệ thống hành chính các cấp.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép như sau: Năm Tân Mùi, định ra giai phẩm cho các quan văn võ và tăng đạo. Cho Tăng thống Ngô Chân Lưu hiệu là Khuông Việt đại sư, cho Trương Ma Ly làm Tăng lục đạo sĩ, Đặng Huyền Quang làm Sùng chân uy nghi”.

Việc làm này của nhà Đinh đã tạo tiền lệ cho các triều đại sau đó, giúp Phật giáo Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ, đóng góp to lớn với dân tộc. Các vua Đinh đã lấy tư tưởng Phật giáo làm hệ tư tưởng chủ đạo, tham khảo các thiền sư, trí thức của dân tộc lúc bấy giờ vào việc trị vì đất nước.

Theo các học giả trong nước, khi Đinh Tiên Hoàng lấy Phật giáo làm quốc giáo, định phẩm cấp tăng nhân để cho họ lãnh đạo Phật giáo trong toàn quốc. Các chùa của Nhà nước do các tăng quan trụ trì đều được cấp ruộng làm tự điền. Điều này giúp các tự viện chủ động nguồn kinh phí để hỗ trợ nhân dân trong nhiều lĩnh vực như: giáo dục, hoằng pháp và cứu tế.

Với chính sách coi trọng Phật giáo, triều đình nhà Đinh là vương triều đầu tiên ở Việt Nam biết sử dụng sức mạnh trí tuệ của chư Tăng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó là một trong những tiền đề quan trọng tạo nên thành công của sự nghiệp thống nhất, xây dựng, phát triển Nhà nước Đại Cồ Việt; tạo động lực để Phật giáo đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc trong nhiều thế kỷ sau đó.

Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng ngày Nước Và Khí tượng thế giới

2 ngày 22, 23/3 là Ngày Nước và Khí tượng thế giới. Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu, vừa qua Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng chuỗi sự kiện này.

Ngày Nước thế giới 22/3 được Liên hợp quốc phát động ̣với chủ đề “Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Cùng với đó, Ngày Khí tượng thế giới 23/3 mang chủ đề “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”. Cũng trong ngày này, Chiến dịch Giờ Trái đất diễn ra trên phạm vi toàn quốc với kỳ vọng chuỗi sự kiện sẽ nâng cao nhận thức của người hướng đến cuộc sống xanh.

Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Trong năm 2023 do ảnh hưởng của El Nino, nền nhiệt bình quân tại Việt Nam tăng đáng kể so với các năm trước. Theo ghi nhận của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đã có hơn 100 kỷ lục về nhiệt độ bị xô đổ ở nhiều địa phương. Trong đó tại Thị trấn Hồi Xuân thuộc huyện Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận nhiệt độ vào ngày 6/5 là 44,1 độ C, đây là mức nhiệt cao nhất từng được quan trắc tại Việt Nam trong hơn 100 năm qua. Và ngay sau nắng nóng, hàng chục đợt mưa lớn diễn ra trên khắp cả nước, xô đổ mọi kỷ lục về lượng mưa trong 24h được xác lập trước đó. Thậm chí vào tháng 10, lần đầu tiên Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phải đưa ra cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 – mức cao nhất cho Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.

Những chỉ số về Khí tượng Thủy văn trong năm 2023 cho thấy Việt Nam đang chịu sức ép nặng nề từ biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng và tài sản của hàng triệu người. Theo Ngân hàng Thế giới, nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12 – 14,5% GDP, tức thiệt hại tích luỹ từ 400 – 523 tỷ đô la Mỹ từ nay cho đến năm 2050. Nhưng đó vẫn là câu chuyện của tương lai, trước mắt trong năm 2024 này, người dân cả nước sẽ tiếp tục hứng chịu diễn biến khó lường về thời tiết và thiên tai.

Hành động bây giờ hoặc phải trả đắt trong tương lai! Việc ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ là hành động của chính quyền hay các doanh nghiệp, tổ chức bảo vệ môi trường mà còn là trách nhiệm mỗi người. Bởi nếu không ngăn chặn cơn khủng hoảng sắp đến, thiệt hại về người và của là không thể đong đếm.

Đông đảo người dân tham dự chương trình tắt đèn bật ý tưởng 2024

Trước tình trạng Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều chương trình đã được đổ chức nhằm chung tay bảo vệ môi trường từ việc thay đổi điều đơn giản nhất. Như vào ngày 23/3, hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái Đất, sự kiện Tắt đèn Bật ý tưởng 2024 đã tổ chức tại Hà Nội, thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân,

Từ rất sớm, rất đông các bạn trẻ đã có mặt tại chiến dịch Tắt đèn 2024 để hòa mình vào thế giới xanh với vô vàn hoạt động hấp dẫn. Điểm nhấn của chương trình là những gian hàng xanh với mục tiêu xây dựng mạng lưới xanh bền vững, lớn mạnh, chung tay cùng cộng đồng thay đổi tích cực về môi trường.

Tương tự các năm trước, gian hàng đổi đồ được duy trì nhằm khuyến khích cộng đồng hạn chế lãng phí quần áo cũ. Tại đây, hàng dài các bạn trẻ đã tham gia hoạt động với tinh thần “Cũ người – Mới ta”. Là sáng kiến hưởng ứng sự kiện Giờ trái đất từ năm 2010 tới nay, chương trình Tắt đèn Bật ý tưởng góp phần truyền cảm hứng, thay đổi nhận thức về các vấn đề môi trường tới mọi người, đặc biệt là giới trẻ Thủ đô.

Phật giáo thủ đô hưởng ứng chương trình Hà Nội xanh

Trước đó vào buổi sáng ngày 23/3, được sự phối hợp, giúp đỡ của Công an TP Hà Nội, các tôn giáo đã tổ chức chương trình Hà Nội Xanh và nhận được sự quan tâm, tham dự của đông đảo người dân, tín đồ Phật tử.

Tại sự kiện, lãnh đạo TP. Hà Nội đánh giá cao sự góp sức của các tổ chức tôn giáo khi có những thông điệp, hành động cụ thể bảo vệ môi trường. Với nhiều mô hình sáng tạo, vận động được sự ủng hộ, đóng góp từ người dân, sự đồng hành của chư tôn đức Tăng, Ni cùng quý chức sắc, chức việc các tôn giáo đã lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng.

Sau Lễ khai mạc, đại diện 7 tổ chức tôn giáo đã dọn dẹp vệ sinh, xử lý rác thải và trồng cây xanh tại công viên Indira Gandhi. Điều này không chỉ góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn chung tay xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Nâng cao nhận thức xanh cho cộng đồng

Không chỉ tích cực tham gia các chương trình bảo vệ môi trường mà chư tôn đức Tăng, Ni còn vận động, nâng cao ý thức người dân, Phật tử trong việc giảm lượng phát thải CO2, phòng chống biến đổi khí hậu. Qua đó, đưa GHPGVN trở thành tổ chức đi đầu trong việc kiến tạo cuộc sống xanh cho cộng đồng.

Một thời khóa tại chùa Thiên Ứng Phúc Lâm quận Long Biên, TP. Hà Nội! Sau các nghi lễ tâm linh, Đại đức Thích Quảng Hoàng, trụ trì chùa tranh thủ ngồi trò chuyện với quý Phật tử. Dù thời gian không có nhiều nhưng đại đức luôn tận dụng để truyền đạt kiến thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện cho người dân.

Câu chuyện tại chùa Thiên Ứng Phúc Lâm chỉ là 1 ví dụ cho nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lối sống xanh, phòng chống biến đổi khí hậu mà chư tôn đức Tăng, Ni thực hiện. Không chỉ là cầu nối mà chư tôn đức còn làm tấm gương cho Phật tử noi theo. Cũng bởi thế, mái chùa không chỉ là điểm tựa tâm linh mà còn trở thành trung tâm lan tỏa lối sống xanh, thân thiện với môi trường.

Kiến tạo điều tốt đẹp hạnh nguyện của những người con Phật. Và trong hành trình đó, lan tỏa nếp sống bảo vệ môi trường dù chỉ là 1 việc làm nhỏ, thường ngày của chư tôn đức Tăng Ni nhưng cũng đủ minh chứng cho mục tiêu Phật giáo đồng hành vì một Việt Nam xanh.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 23.03.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

21 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2550 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1507 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3676 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2619 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4593 lượt xem 0 Bình luận