Bản tin Bchannel – An Viên 24H 23.08.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 23.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Bắc Giang: Ban Giáo dục TƯGH thăm trường TCPH Tỉnh; Mang Vu Lan đến với bệnh nhân nghèo; Thanh âm mùa Vu Lan.
Bắc Giang: Ban Giáo dục TƯGH thăm trường TCPH Tỉnh
Ngày 22/8, đoàn Ban Giáo dục Phật giáo TƯGH do Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã đến thăm, cúng dường hạ trường tại Trường TCPH tỉnh Bắc Giang.
Tại đây, đoàn thăm cơ sở vật chất, nơi sinh hoạt của Tăng Ni sinh; góp ý về quy trình đào tạo và định hướng phát triển của Trường; động viên Tăng Ni sinh cố gắng tu học, duy trì và phát huy những trị của Phật giáo địa phương. Dịp này, đoàn cúng dường tịnh tài, tịnh vật cho trường.
Đáp lời Hoà thượng Thích Thiện Văn, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh, Hiệu trưởng nhà trường cảm ơn đoàn và báo cáo tình hình học tập của tăng ni sinh.
Mang Vu Lan đến với bệnh nhân nghèo
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp tháng 7 âm lịch, bệnh nhân và người thân đang điều trị tại Viện huyết học Truyền máu Trung ương đều đón một lễ vu lan ấm áp, yêu thương. Đây là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc được Hòa thượng. Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN TP Hà Nội, Trụ trì chùa Bằng cùng các phật tử thực hiện bền bỉ hàng chục năm qua.
Một buổi sáng thật đặc biệt với những bệnh nhân này!
Có người đã lớn tuổi, cũng có những em nhỏ ngây ngô đang tuổi ăn, tuổi lớn!
Tranh thủ thời gian sau khi điều trị bệnh, họ đã có mặt tại đây để dự lễ vu lan đặc biệt. Cài trên ngực hoa hồng đỏ, được lắng nghe những lời động viên, chia sẻ của chư tôn đức, mỗi bệnh nhân này đều không khỏi xúc động.
Dù bận bịu với rất nhiều phật sự nhưng năm nào cũng vậy HT.Thích Bảo Nghiêm luôn sắp xếp thời gian để tổ chức lễ vu lan cho bệnh nhân. Món quà tuy đơn giản chỉ là chiếc tràng hạt nhỏ và một chút tịnh tài nhưng đã mang năng lượng bình an, giúp các bệnh nhân vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ người thân để chiến đấu và chiến thắng bệnh tật.
Ngày lễ vu lan từ lâu, đã trở thành lễ hội của tình thương, hòa vào tinh thần hiếu đạo của người Việt. Lễ vu lan càng trở nên ý nghĩa hơn khi lan tỏa các hoạt động nhân văn, lòng biết ơn, sự sẻ chia giữa mọi người với nhau.
Phiên chợ 0 đồng, ấm áp tình Vu Lan
Không chỉ mang vu lan đến gần hơn với các bệnh nhân, những người con Phật còn muốn lan tỏa giá trị từ bi của lễ hội này đến với người dân nghèo, yếu thế. Tại TP. HCM, vừa qua, chùa Từ Nghiêm tổ chức phiên chợ 0 đồng nhằm san sẻ khó khăn với người dân dịp vu lan.
Đây đã là lần thứ 8 chương trình “Siêu thị 0 đồng” được tổ chức bởi chư ni và các mạnh thường quân chùa Từ Nghiêm, quận 10, TP. HCM. Với 12 gian hàng, đa dạng các sản phẩm từ gạo, mì, dầu ăn và rất nhiều nhu yếu phẩm khác. Tất cả đều phục vụ miễn phí bà con nghèo nhân mùa vu lan năm nay.
“Siêu thị 0 đồng” không chỉ là một phiên chợ thông thường, mà là một cộng đồng đoàn kết, nơi mọi người có thể chia sẻ, nhận, và tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ. Hoạt động ý nghĩa này giúp nhóm lên ngọn lửa yêu thương, chia sẻ lòng nhân ái, đem lại sự ý nghĩa cho cộng đồng.
Qua từng năm, quy mô và ý nghĩa của chương trình ngày càng được mở rộng, từ đó góp phần san sẻ khó khăn, mang đến niềm vui cho các hộ gia đình khó khăn vào mỗi dịp Vu Lan.
Vu Lan ca
Có một nhận xét cho rằng “Chẳng có ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca. Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thăng trầm của khúc nhạc.” Vâng, việc truyền tải thông điệp qua thơ ca ngày càng cho thấy hiệu quả tích cực. Với lòng mến mộ cũng như mong muốn lan toả lời Phật dạy đến đông đảo người dân hơn nữa; nhiều nghệ sĩ chuyên và không chuyên đã sáng tác, biểu diễn những nhạc phẩm Vu Lan, mang lại cảm xúc sâu sắc cho người nghe và tạo nên thanh âm hiếu hạnh sâu lắng.
Đến thăm các chùa mùa Vu lan, dễ dàng nghe thấy những giai điệu của các ca khúc về tình mẹ, tình cha; thì Vu lan ca như 1 làn gió mới với nội dung trọng tâm về tứ trọng ân – 4 ân nghĩa mà mỗi người không bao giờ được quên.
Vu lan ca là một nhạc phẩm được sáng tác từ thiện tâm của nhóm tác giả, trong đó có thành viên thuộc Ban Văn hóa TƯGH. Nửa năm – đó là khoảng thời gian để hoàn thiện ca khúc, bao gồm cả phần sáng tác lời thơ, phổ nhạc, thu âm ca sĩ và làm MV. Đặc biệt, phần lời thơ hết sức công phu, vì sáng tác đề tài về Phật giáo, về mùa Vu lan sao cho vừa đúng tinh thần của đạo, vừa truyền tải được thông điệp một cách dung dị nhẹ nhàng, gần gũi – là điều không dễ dàng.
Không chỉ năm nay, mà nhiều năm về sau nữa, hi vọng rằng Vu lan ca vẫn vang lên với sự gửi gắm nét đẹp ân nghĩa giữa con người với con người dưới ánh sáng hào quang của Phật pháp và đạo lý ngàn năm cao cả của dân tộc Việt Nam.
Trao gửi đạo hiếu qua những vần thơ
Xuyên suốt mạch nguồn của thơ ca, nhắc đến Vu lan không thể không nhắc đến tình cảm gia đình thiêng liêng, cao quý; với sự nâng niu trân trọng những hình ảnh về mẹ, về cha. Ngay cả những người tu sĩ cũng vậy. Để tình cảm yêu thương ấy không phai mờ, từ những câu hát được cất lên đến cả những bài thơ về đấng sinh thành rất đỗi mộc mạc, giản dị cũng được những vị tu sĩ lựa chọn thể hiện theo cách thức riêng, đưa đến người nghe nỗi lòng sâu lắng…
Trôi đoạn thầy ngâm thơ
Đó chính là bài thơ với tựa đề “Vu lan về với mẹ” mà Đại đức Tuệ Minh đã viết trong mùa Vu lan năm nay, để gửi đến đấng sinh thành và cũng để nhắc mình, nhắc người, những người con dù bận rộn nhưng phải nhớ nâng niu từng khoảnh khắc tuyệt vời bên cha mẹ, để không bao giờ phải ân hận hay tiếc nuối. Thay vì ngại ngần kìm giữ trong lòng, những vần thơ chất chứa hương vị ngọt ngào của sự bao dung và tình yêu thương cùng những kỷ niệm đã nảy mầm trong tâm hồn người tu sĩ suốt nhiều năm nay. Quá trình sáng tác không đơn thuần là việc viết chữ. Đó là sự hòa quyện giữa tâm hồn và cảm xúc, giữa sự tôn kính và lòng tri ân…
Thanh âm Vu Lan, không chỉ là tiếng chuông, mà còn biết bao kỷ niệm, bao nỗi nhớ, đọng mãi trong tâm hồn người tu sĩ. Lấy việc báo hiếu cha mẹ làm gốc rễ của hạnh phúc, đã trở thành cảm hứng cho nội lực sáng tác cùng lời nhắn gửi tinh tế, sâu sắc về tình cảm gia đình, công lao trời bể của mẹ cha.
Thanh âm mùa Vu Lan
Sự xúc động, lắng đọng có lẽ là cảm xúc của tất cả mọi người khi nghe các tác phẩm về vu lan. Trong Phật giáo, ngày lễ báo hiếu còn gắn với hình ảnh Bồ Tát Mục Kiền Liên cứu mẹ. Vậy thì sự tích này đã được lồng vào âm nhạc như thế nào trong 1 ca khúc mới được sáng tác nhân mùa Vu lan năm nay?
30 phút – có thể là khoảng thời gian để tranh thủ ăn 1 bữa cơm, để chợp mắt một lát, để di chuyển về nhà sau giờ tan tầm,… Còn với ca sĩ Diệu Đan, đó là khoảng thời gian để cô hoàn thiện phần lời ca khúc “Vu lan hiếu hạnh”. Sau khoảng 3 ngày nhạc sĩ Lê Hải hòa âm thì ca khúc có bản beat nhạc ưng ý và thêm 30 phút để thu âm, Diệu Đan đã phát hành bản audio đầu tiên. Nghe có vẻ bất ngờ, nhưng có lẽ cảm hứng thì không có giới hạn về không gian và thời gian.
Với dòng nhạc mang phong cách trẻ trung, hiện đại; nhạc phẩm đã nhanh chóng tiếp cận đến đối tượng khán giả trẻ. Và điều mà Diệu Đan muốn truyền tải thông qua đây chính là điển tích về Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ và lời Phát nguyện độ tận chúng sinh của Ngài. Đó chính là điểm khác lạ ở một nhạc phẩm Phật giáo so với các bài hát thông thường.
Hoàng thành Thăng Long là hình mẫu Bảo tồn Di Sản
Vừa qua, UNESCO đã thông qua đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Ðây là minh chứng khẳng định hướng đi đúng đắn của Hà Nội nói riêng, của Việt Nam nói chung trong bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản quý báu này. Sự đồng thuận của UNESCO mở ra giai đoạn mới trong phát huy giá trị Hoàng Thành Thăng Long với điểm nhấn là hạ giải một số hạng mục công trình để tiến tới phục dựng không gian Ðiện Kính Thiên.
Hiếm có di sản nào mà những giá trị còn ẩn giấu thậm chí còn lớn hơn cả những giá trị đã biết như Hoàng thành Thăng Long. Bởi thế, nhiệm vụ vừa nghiên cứu, vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị của di sản văn hóa thế giới này là hết sức đặc biệt. Sau 2 năm đệ trình, các chuyên gia quốc tế đánh giá cao bộ hồ sơ bảo tồn di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long. Những vấn đề quan trọng nhất mà UNESCO chấp thuận là: Việc nghiên cứu khảo cổ học, việc tháo dỡ những công trình không đóng góp vào giá trị phổ quát nổi bật của di sản, và đang xâm phạm Trục trung tâm (trục Thần đạo), tái thiết Ðiện Kính Thiên.
Hành trình nghiên cứu về Ðiện Kính Thiên là hành trình đi từ không đến có. Từ chỗ chỉ có mỗi nền của Ðiện Kính Thiên, rồi Ðiện Long Thiên (thay thế Ðiện Kính Thiên dưới thời Nguyễn), đến nay, các nhà khoa học đã đi được 60-70% tiến trình phục dựng Ðiện. Mỗi lần khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long là một lần các nhà nghiên cứu làm rõ thêm giá trị. Bên cạnh đó, những hoạt động, nghi lễ cung đình xưa được triển khai.
Với những giá trị nổi bật toàn cầu được bồi đắp suốt hơn 10 thế kỷ, khu di sản Hoàng thành Thăng Long là địa chỉ văn hóa đặc biệt quan trọng trong hệ thống di sản tại Thủ đô Hà Nội. Kể từ khi mở cửa đón khách tham quan và được UNESCO vinh danh đến nay, khu di sản Hoàng thành Thăng Long ngày càng hấp dẫn hơn với các sự kiện, hoạt động văn hóa quy mô, đa dạng và hấp dẫn.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 23.08.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
11 lượt thích 0 bình luận