Bản tin Bchannel – An Viên 24H 24.02.2024

26/02/2024 09:24:33 1609 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 24.02.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Khai mạc Ngày hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2024; Đồng Nai: Ban giám đốc Công an tỉnh vấn an Trưởng lão Hòa thượng. Thích Thiện Nhơn; Giữ gìn di sản Tết Nguyên Tiêu.

Khai mạc ngày hội sắc xuân trên mọi miền tổ quốc năm 2024

Sáng ngày 24/2 ở Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tham dự Lễ Khai mạc Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2024. Đây là chương trình thường niên nhằm tôn vinh sự đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc tại Việt Nam.

Trình diễn Trò Xuân phả, Điệu múa đầu năm, múa lễ hội “Đền tháp” hay nghệ thuật Hát Then… là những tiết mục nằm trong di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vô cùng đặc trưng được các đồng bào đặc biệt chuẩn bị để gửi đến du khách trong dịp đầu xuân này. Tại đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã gửi lời thăm hỏi và chúc mừng tới đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc với sự tham gia của khoảng 300 đồng bào của 28 cộng đồng dân tộc, đến từ 16 tỉnh, thành phố và 16 nhóm cộng đồng dân tộc… họ là những người có uy tín từng ngày góp sức trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tại địa phương.

Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc được diễn ra trong 2 ngày 24 và 25/2 với nhiều hoạt động đặc sắc, giúp người dân và du khách hiểu và thêm trân trọng sự đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Dịp này, Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024 cũng được tổ chức.

Đồng Nai: Lãnh đạo Công an tỉnh vấn an Trưởng lão Hòa thượng.Thích Thiện Nhơn

Ngày 23/2 vừa qua, tại Đồng Nai Thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cùng phái đoàn đã đến thăm và chúc sức khỏe Trưởng lão Hòa thượng.Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN.

Ở buổi gặp mặt, Thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn gửi lời vấn an và chúc mừng năm mới đến Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn. Tri ân sự góp sức của GHPGVN trong việc đảm bảo an ninh trật tự, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội trên địa bàn.

Đáp từ, Trưởng lão Hòa thượng.Thích Thiện Nhơn bày tỏ niềm hoan hỷ, cảm ơn sự hỗ trợ của Công an tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua đã đảm bảo công tác an ninh để tăng ni, phật tử đặc biệt là chùa Quốc Ân Khải Tường thực hiện tốt các hoạt động phật sự.

CỤM TIN PHẬT SỰ

Đồng Nai: Thiền sư Thích Thanh Từ chứng minh khóa Thiền đầu năm

Trong không khí trang nghiêm, chư Tăng đã vân tập về thiền đường đảnh lễ Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ – người đã có công khôi phục dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, một lòng hướng dẫn chư Tăng Ni, Phật tử tu học theo Chánh pháp. Dịp này, Trưởng lão Hòa thượng Phó Pháp chủ sách tấn toàn thể Tăng Ni, Phật tử kiên định hành trì theo đường lối pháp môn tu tập, ngõ hầu thấu suốt bản vị chân như để không phụ công ơn của thầy tổ.

Hà Tĩnh: Tri ân đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông

Ngày 23/2, tại chùa Tượng Sơn của tỉnh Hà Tĩnh, đã diễn ra Lễ tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và thả hoa đăng cầu quốc thái dân an. Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã dành cả cuộc đời nghiên cứu, biên soạn và truyền bá y học cổ truyền, góp phần to lớn vào sự phát triển của nền y học nước nhà. Chương trình nằm trong khuôn khổ lễ hội cầu sức khỏe đầu năm của chùa Tượng Sơn, tưởng niệm 233 năm ngày mất và 300 năm ngày sinh của Đại danh y.

Nhiều nét mới tại lễ hội chùa Hoằng Phúc 2024

Trong 2 ngày 23 và 24/2, tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã long trọng diễn ra lễ hội Di tích lịch sử Quốc gia chùa Hoằng Phúc năm 2024. Sự kiện năm nay diễn ra với nhiều nét mới, tinh gọn nhưng vẫn đầy đủ và đặc sắc.

Lễ hội di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc năm 2024 diễn ra trong hai ngày 23 và 24-2 với nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh như lễ rước nước từ vực An sinh lên chùa, lễ tắm phật, khai ấn, cầu quốc thái dân an hay quy y tam bảo. Trong lần thứ sáu được tổ chức, lễ hội đã có một số điểm đổi mới nhằm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu tâm linh của bà con.

Cùng với phần lễ thì phần hội cũng mang nhiều nét mới. Trong đó, chư tôn đức đã mang tới cho bà con các tiết mục văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, đặc biệt là biểu diễn ảo thuật. Ngoài các hoạt động thường niên như tổ chức hội bài chòi, thi đấu cờ tướng, nhảy bao bố cùng các hoạt động về nguồn, năm nay còn có chương trình thi đấu võ thuật cổ truyền đặc sắc.

Theo ghi nhận, năm nay lễ hội đã thu hút hơn 10 nghìn người dân, du khách và phật tử tham dự. Việc tổ chức lễ hội đã góp phần duy trì và phát triển những giá trị văn hóa, tinh thần của nhân dân. Nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn giá trị văn hóa của di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn huyện.

Đầu năm lên chùa Cầu an

Cầu an vào ngày Rằm tháng Giêng là nghi lễ ý nghĩa trong tín ngưỡng của người dân Việt Nam. Những ngày qua, các tự viện đã nghiêm túc thực hiện hướng dẫn của Trung ương Giáo hội về việc duy trì nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội và sinh hoạt tâm linh dịp đầu năm. Sau đây là ghi nhận tại tỉnh Quảng Trị.

Không vàng mã dâng cúng.

Không lễ vật rườm rà.

Những ngày này tại Quảng Trị, người dân và Phật tử lên chùa nhân dịp Rằm tháng Giêng, đọc kinh cầu an với tâm nguyện có một năm mới an yên. Họ gửi gắm mong ước ấy trong cảnh sắc và không gian thanh tịnh nơi cửa Phật; ai cũng hướng tấm lòng về những điều thiện lành.

Rằm tháng Giêng năm nay, các tự viện tỉnh Quảng Trị tổ chức các nghi lễ cầu quốc thái dân an trang nghiêm, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng người dân. Đặc biệt, nghiêm túc thực hiện hướng dẫn của TƯGH để việc lễ chùa đầu năm theo đúng tinh thần của đạo Phật, loại trừ mê tín dị đoan.

 “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”, mọi người đến chùa cầu an với cả tâm nguyện bằng những việc làm thiện lành – đó mới là phù hợp với văn hóa Việt. Và có như vậy mới thể hiện truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc hàng nghìn năm qua của Phật giáo Việt Nam.

Tết Nguyên Tiêu – Di sản trong lòng phố cổ Hội An

Theo truyền thống, Tết Nguyên Tiêu là lễ tết lớn trong năm chỉ sau Tết Nguyên đán, được hình thành từ lâu đời và đặc biệt ở những địa phương như Hội An, tỉnh Quảng nam còn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ở chuyên mục tiêu điểm của bản tin ngày hôm nay, nhân dịp ngày rằm tháng Giêng, kính mời quý vị cùng khám phá những nét đặc biệt của di sản này trong lòng phố cổ Hội An.

Ở Hội An, cứ sau ngày Khai hạ mùng 7 tháng Giêng, người dân lại nô nức chuẩn bị đón Tết Nguyên tiêu. Đây là lễ tết lớn nhất trong năm, chỉ sau Tết Nguyên đán, được hình thành từ lâu đời, là sự kiện văn hóa chung của cộng đồng cư dân Hội An, gắn với quá trình hình thành, phát triển của đô thị – thương cảng Hội An từ trong lịch sử cho đến hiện nay. Ngày 2/2/2023, Tết Nguyên tiêu Hội An được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới, nguyên là thứ nhất, tiêu là đêm. Ở Hội An, hầu như gia đình nào cũng làm lễ cúng vào tết Nguyên Tiêu để hướng tới điều phước thiện, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, an lành, may mắn đến với gia đình. Khác với nhiều nơi, tết Nguyên tiêu ở Hội An diễn ra trong không gian rộng lớn bao gồm cả nội thị lẫn các vùng nông thôn phụ cận.

Tết Nguyên tiêu ở Hội An mang những giá trị văn hóa, đặc trưng riêng so với nhiều nơi ở Việt Nam và Châu Á do được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa của Việt Nam và có sự giao thoa tiếp biến văn hóa với các nước Trung Hoa, Nhật Bản trong thời kì hoàng kim khi Hội An là thương cảng lớn của khu vực. Xưa kia, tết Nguyên Tiêu ở đây được tổ chức khá long trọng, nhộn nhịp với lễ cúng, hoa đăng, đám rước kiệu ngoài phố, và bắn pháo hoa.

Một trong những tập tục nổi bật của Tết Nguyên tiêu tại Hội An là xin vay vốn làm ăn dành cho những người kinh doanh, buôn bán. Theo đó, mọi người thường đến những di tích có các vị thần bảo trợ như thần tài để xin vay tượng trưng một ít tiền làm vốn buôn bán. Cuối năm khi chốt sổ lại công việc, người vay hoàn trả gốc và san sẻ lời từ khoản đã vay.

Tết Nguyên tiêu có vai trò rất lớn trong đời sống văn hóa cộng đồng cư dân Hội An. Nó vừa thỏa mãn nhu cầu văn hóa tâm linh, vừa cố kết cộng đồng bởi là tết chung của mọi người, mọi nhà. Ngày nay, lễ hội Tết Nguyên tiêu Hội An không chỉ là hoạt động văn hóa, tâm linh truyền thống được người dân mong chờ mà còn trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc dịp đầu năm mới, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến vui chơi, khám phá

Gìn giữ Di sản Tết Nguyên Tiêu tại TP. Hồ Chí Minh

Trước TP. Hội An, Tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa tại Quận 5, TP.HCM đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể từ năm 2020. Là phong tục truyền thống lâu đời của cộng đồng người Hoa tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu là di sản quý báu, góp phần làm phong phú sự đa dạng văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em của nước ta.

Từ ngày 22/2 đến nay, hàng nghìn người dân và du khách đã tập trung về Quận 5, TP.HCM để tham dự Lễ hội Nguyên Tiêu năm 2024. Được bắt đầu từ năm 1990, sau 34 năm, sự kiện đã trở thành chương trình thường niên mỗi dịp đầu Xuân, mang đậm dấu ấn của cộng đồng người Hoa. Qua đó, góp phần làm phong phú bản sắc, sự đa dạng văn hóa của thành phố mang tên Bác.

Điểm nhấn của Lễ hội Nguyên Tiêu chính là màn diễu hành trên các đường phố ở quận 5. Ở sự kiện năm nay, hơn 500 nghệ sĩ, nghệ nhân đã hóa trang thành nhiều nhân vật thần thoại xưa, cùng với đó là các tiết mục múa Lân – Sư – Rồng. Và dù mới chỉ được tổ chức trong khoảng 2 năm trở lại đây nhưng màn diễu hành không chỉ trở thành món ăn tinh thần của người Hoa mà còn là niềm vui chung của người dân TP.HCM.

Theo phong tục xưa, Tết Nguyên Tiêu, ngoài việc cúng gia tiên tại tư gia, người dân cũng đến chùa, Hội quán hoặc đình miếu dâng hương, lễ bái, tham dự nhiều nghi thức tâm linh truyền thống để mong cầu sự bình an, may mắn cho bản thân và gia đình. Và câu nói “Giao thừa ra quận nhất, Nguyên Tiêu về quận 5″ đã đủ để nói lên sức hút của Di sản Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của cộng đồng người Hoa tại quận 5 nói riêng và TP.HCM nói chung.

Đã có lịch sử lâu đời gắn với sự hình thành, phát triển của cộng đồng người Hoa tại TP.HCM, Tết Nguyên Tiêu là di sản quý báu. Bởi thế, việc gìn giữ tập quán sinh hoạt tâm linh này đang là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa địa phương.

CỤM TIN QUỐC TẾ

Chính phủ Thái Lan mới đây đã phê duyệt ngân sách đặc biệt lên tới 104,8 triệu baht (tương đương hơn 2,9 triệu USD) để tổ chức “Đại lễ hội nước thế giới Songkran” vào tháng 4 tới. Chương trình được kỳ vọng giúp “xứ sở Chùa Vàng” trở thành một trong 10 quốc gia có lễ hội hấp dẫn nhất.

Thái Lan: Chuẩn bị đón Tết Songkran 2024

Chương trình nhằm quảng bá truyền thống và văn hóa Thái Lan, đồng thời là sự kiện chào mừng lễ hội té nước Songkran hay Tết cổ truyền của Thái Lan được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vào tháng 12 năm ngoái. Tết Songkran kéo dài 5 ngày (từ ngày 11 đến 15/4) thay vì 3 ngày như mọi năm, trong khi các hoạt động chào mừng bắt đầu từ ngày 1/4. Trong thời gian này, người dân và du khách tham dự rất nhiều hoạt động như lễ rước Songkran, các chương trình nghệ thuật, lễ cúng dường, tắm Phật….

Hàn Quốc: Chùa Yeonggwang Bulgapsa là Di sản Văn hóa cấp Quốc gia

Tại Hàn Quốc, Cục Quản lý Di sản Văn hóa nước này công nhận chùa Yeonggwang Bulgapsa là di sản văn hóa cấp quốc gia. Chùa được xây dựng vào năm 384 với cảnh quan thiên nhiên hài hoà, đặc sắc. Trước đó, ngôi tam bảo và tượng Phật Thích Ca ngồi bằng gỗ là báu vật quốc gia. Việc công nhận này sẽ giúp Cục Quản lý Di sản Văn hóa cùng chính quyền địa phương có kế hoạch bảo tồn, quản lý và khai thác Khu vực núi Yeonggwang Bulgapsa một cách có hệ thống hơn thời gian tới.

CỤM TIN TÔN GIÁO CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Chiều ngày 23/2, tại TP.Quy Nhơn, Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định và Phú Yên đã sơ kết chương trình phối hợp về công tác dân tộc, tôn giáo vùng giáp ranh hai tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, công tác quản lý dân tộc, tôn giáo tại vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên đã đạt được nhiều kết quả tích cực 3 năm qua. Đặc biệt, việc sinh hoạt tôn giáo diễn ra thuận lợi, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo và tín ngưỡng của người dân tại địa bàn giáp ranh được đảm bảo. Dịp này, Ban Dân vận của 2 địa phương đã ký kết chương trình phối hợp công tác năm 2024.

Cùng thời gian này, tại Trà Vinh, UBND tỉnh đã họp mặt biểu dương người có uy tín, cá nhân tiêu biểu nhân kỷ niệm 65 năm ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân. Dịp này, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xét tặng 5 căn nhà “Mái ấm biên cương” cho các hộ dân khó khăn về nhà ở, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng.

CỤM TIN VĂN HÓA

Dịp đầu Xuân, nhiều sự kiện văn hóa truyền thống đang được diễn ra trên khắp cả nước. Như tại tỉnh Hà Nam, vào đêm ngày 23/2, Lễ phát lương Đức Thánh Trần tại đền Trần Thương được tổ chức với sự tham dự của hàng nghìn người dân và du khách.

Hàng nghìn du khách dự Lễ hội Phát lương Đức Thánh Trần

Đây là sự kiện truyền thống của tỉnh Hà Nam mỗi dịp đầu Xuân nhằm cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gồm nhiều nghi thức tâm linh như: Lễ rước lương thảo, Lễ châm đuốc và dâng hương. Dịp này, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao cũng được tổ chức như Giải cờ tướng, kéo co, bóng chuyền nhằm giúp người dân và du khách vui Xuân.

170 nghìn lượt khách dự Lễ khai Ấn Đền Trần

Cũng trong đêm 23/2 tại Nam Định, Lễ khai ấn Đền Trần đã trang nghiêm diễn ra, gồm nhiều hoạt động tâm linh truyền thống như: lễ dâng hương, lễ rước kiệu ấn, lễ khai ấn, dâng chúc văn. Đây là dịp để mỗi người dâng cầu sự bình an, may mắn và sức khỏe trong năm mới. Theo ước tính của BTC, đã có 170 nghìn lượt người dân và du khách tham dự sự kiện.

Khai thác tiềm năng du lịch tại Di tích

Di sản chính là nguồn lực quan trọng để các địa phương có thể phát triển kinh tế – xã hội. Bởi thế, ở khắp các tỉnh thành, việc bảo tồn, phát huy các giá trị di tích để khai thác tiềm năng du lịch đang được triển khai sâu rộng. Và câu chuyện dưới đây ở Hải Dương là 1 ví dụ.

Xuân Giáp Thìn năm nay, nhiều du khách đến tham quan, chiêm bái tại đền cao An Phụ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương để chiêm ngưỡng cảnh hùng vĩ của dãy núi này, cảm nhận nhiều nét mới tại khu di tích. Điển hình là việc số hoá thông tin lịch sử của quần thể di tích An Phụ, Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương bằng cách quét mã QR. Nhiều du khách khi đến đền cao tìm hiểu lịch sử qua việc quét mã QR đều thấy thuận tiện hơn, tìm hiểu được sâu, kỹ hơn về di tích.

Đến động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương, ngoài việc tham quan, chiêm bái, du khách được chiêm ngưỡng bảo tàng Bách khoa toàn thư, lưu giữ hệ thống bia Ma Nhai độc nhất vô nhị của cả nước, cùng với đó là bảo tàng về khảo cổ học tại tại chùa Nhẫm Dương. Tại đây, lưu giữ nhiều di vật quý hiếm từ thời tiền sử.

Nhiều năm nay, quần thể di tích lịch sử An Phụ, Kính Chủ,  chùa Nhẫm Dương được thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương quan tâm, đầu tư, nâng cấp hạ tầng và bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hoá, phục vụ du khách tham quan, chiêm bái và là nơi giáo dục truyền thống thế hệ trẻ.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 24.02.2024:

https://www.youtube.com/watch?v=3PtQm7geoG4

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

18 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2620 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1640 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3729 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2695 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4634 lượt xem 0 Bình luận