Bản tin Bchannel – An Viên 24H 26.07.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 26.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lễ truy điệu và an táng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Các tự viện thỉnh chuông tiễn biệt cố Tổng Bí Thư; Thắp sáng tinh thần tri ân báo ân nơi biển đảo tổ quốc.
Lễ truy điệu và an táng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trong chiều ngày 26/7, Lễ truy điệu và an táng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trang nghiêm tổ chức. Tại đây, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng hàng chục nghìn người dân đã tiễn biệt vị lãnh đạo về với đất mẹ nghìn thu.
Vào lúc 13h00, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại huyện Đông Anh (Hà Nội).
Trong niềm xúc động và tiếc thương vô hạn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Lễ tang đọc điếu văn, tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với lòng đất mẹ. Đồng thời khẳng định, di sản của Tổng Bí thư sẽ sống mãi trong lịch sử Việt Nam.
Tiễn biệt vị lãnh đạo, hàng chục nghìn người dân đã đứng hai bên tuyến đường đoàn xe tang đi qua, bày tỏ niềm tiếc thương đối với sự ra đi của người đã trọn đời vì nước vì dân.
Đúng 15h, Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành trọng thể tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP.Hà Nội. Sau khi đội Tiêu binh thực hiện nghi lễ hạ huyệt; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng bào, bạn bè quốc tế và gia đình đã thả hoa, tiễn đưa cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Các tự viện thỉnh chuông tiễn biệt cố Tổng Bí Thư
Cùng chung nỗi niềm tiếc thương cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vào đúng 13h chiều ngày 26/7, các tự viện trên cả nước đã đồng loạt thỉnh chuông, tiễn biệt. Qua đó, thể hiện tấm lòng tri ân của những người con Phật với vị lãnh đạo quá cố.
Đúng 13h00 … tiếng chuông trầm hùng của chùa Bồ Đề, quận Long Biên vang lên, hoà cùng các tự viện tại Hà Nội hướng vọng về nơi đặt linh cữu TBT Nguyễn Phú Trọng, thay cho lời tiễn biệt nhà lãnh đạo tôn kính.
Không thể trực tiếp tiễn đưa cố TBT Nguyễn Phú Trọng, những người Phật tử thuần thành lặng lẽ thắp nén tâm hương và tưởng niệm trước di ảnh Người. Niềm tiếc thương dồn nén trên những giọt nước mắt tuôn rơi.
Hòa chung với niềm tiếc thương của nhân dân, Phật tử cả nước, cũng vào lúc 13h, thời điểm diễn ra lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ba hồi chuông và Trống Bát nhã đã ngân lên tại tổ đình Vĩnh Nghiêm, TP.HCM. Dưới sự chứng minh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ HĐCM, chư tôn đức cùng quý Phật tử tụng kinh hồi hướng, dâng nén tâm hương tới cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Còn tại TP. Nha Trang của tỉnh Khánh Hòa, hàng trăm Phật tử đã vân tập về chùa Linh Quang dự lễ tưởng niệm cố TBT Nguyễn Phú Trọng. Vào đúng 13h, ba hồi chuông và Trống Bát nhã đã ngân lên như lời tiễn biệt. Cùng trong khoảng thời gian này, toàn thể các tự viện trên cả nước đều thỉnh chuông, như dâng nén tâm hương cầu nguyện anh linh cố Tổng bí thư siêu thoát.
TP.HCM: Tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đồng hành với niềm tiếc thương của cả nước! Trong sáng ngày 26/7 tại Việt Nam Quốc Tự, Ban Trị sự GHPGVN TP. Hồ Chí Minh đã tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ GHPGVN đã quang lâm, tham dự buổi lễ.
Trong không khí trang nghiêm, hơn 2000 Tăng Ni, Phật tử tại TP.HCM đã niệm phật và dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại đây, Đức pháp chủ đã có lời tri ân, ôn lại cuộc đời cùng những đóng góp to lớn của vị lãnh đạo có nhiều mối nhân duyên với Phật giáo, luôn dấn thân vì dân, vì nước.
Tại buổi lễ Chư tôn đức, quý Phật tử đã cầu nguyện theo nghi thức truyền thống Phật giáo, tụng Bát nhã Tâm Kinh hồi hướng, cầu nguyện anh linh Tổng bí thư được siêu thoát.
Nhân cách lớn của nhà lãnh đạo tài ba
Vào lúc này tang lễ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc. Dù nằm xuống nhưng những công lao của Người sẽ mãi được khắc ghi vào lịch sử và trong trí nhớ của mỗi người dân Việt Nam.
Hà Nội những ngày này mưa nhiều. Nhưng sự khó khăn của thời tiết không thể cản những tấm lòng hướng về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và bà Nguyễn Lan Hương là 1 trong số đó. Có nhiều năm gắn bó, làm việc với Tổng Bí thư ở giai đoạn ông công tác tại Thành ủy Hà Nội. Những ngày này, dù công việc bận rộn nhưng bà luôn thu xếp, đến chùa tham dự Lễ tưởng niệm, cầu siêu cho vị lãnh đạo. Và khi nhắc về những kỷ niệm với cố Tổng Bí thư, bà không khỏi nghẹn ngào.
Những kỷ niệm của bà Nguyễn Lan Hương chỉ là 1 ví dụ nhưng đủ để thấy sự khiêm cung, hòa ái, gần gũi, ấm áp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng… Và vẫn còn đó câu chuyện của 1 con người dù ở vị trí đứng đầu đất nước nhưng vẫn đến thăm trường cũ với tâm thế của người học trò… hay sự giản dị, tiết kiệm và hết mực thân dân. Những câu chuyện như mảnh ghép, phác họa nên chân dung 1 nhân cách lớn.
Trong suốt 80 năm cuộc đời, với sự gần gũi, giản dị và chân thành, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại kỷ niệm không thể nào quên với những người may mắn được gắn bó, tiếp xúc. Ở đó, những cương vị hay trọng trách luôn được gác lại và chỉ còn mối thâm tình, gần gũi. Xin tiễn biệt người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị sĩ phu Bắc Hà thời hiện đại.
Chung tay tri ân người có công
Những ngày tháng Bảy, khi cả nước trong tâm tưởng tri ân, với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”, BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang có nhiều hoạt động ý nghĩa, chia sẻ động viên và tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng. Đó cũng là tình cảm của người con Phật góp phần xoa dịu nỗi mất mát cho những người ở lại.
Đến thăm gia đình bà Lục Thị Xuân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Hơn 80 tuổi, bà Xuân luôn tự hào khi được sống trong gia đình với mẹ là bà mẹ Việt Nam anh hùng, chồng là liệt sĩ hy sinh anh dũng trên chiến trường. Sự quan tâm, sẻ chia của chư tôn đức là niềm động viên, khích lệ để gia đình tiếp tục giữ gìn truyền thống gia đình, sống thật tốt để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh.
Quan tâm, chăm lo đến những người có công là việc làm thường xuyên của người con Phật tỉnh Hà Giang. Ngoài việc tổ chức tưởng niệm, cầu siêu, chư tăng, ni thường xuyên thăm hỏi, tặng quà các đối tượng thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước có được độc lập tự do như ngày hôm nay là nhờ vào những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sỹ, các Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Với tình cảm, đạo lý và trách nhiệm, những việc làm của chư tôn đức góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc đối với thế hệ hôm nay.
Thắp sáng tinh thần tri ân báo ân nơi biển đảo tổ quốc
Tri ân báo ân là truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam và cũng là giáo lý nhân bản của Phật giáo. Vì vậy, hàng năm cứ mỗi dịp 27/7, Tăng Ni, Phật tử trên cả nước đều tổ chức đại lễ cầu siêu anh linh các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do và hoà bình cho nhân dân. Và năm nay, 3 BTS GHPGVN Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc với 100 chư tăng ni đã cùng nhau về Cô Tô, lập đàn cầu siêu, thắp sáng tinh thần tri ân báo ân nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.
Trong khói hương nguyện toả, đoàn chư tôn đức tăng ni của 3 tỉnh thành đã thành kính dâng hương hoa tưởng nhớ chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại của đất nước tại Di tích Quốc gia đặc biệt – Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay khi vừa đặt chân đến đảo Cô Tô. Trước anh linh Chủ tịch, đoàn cúi đầu, đảnh lễ, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn trước công lao to lớn và sự hy sinh cao cả của Người đối với dân tộc.
Ân Quốc gia xã hội là một trong tứ trọng ân theo quan niệm của Phật giáo. Bên cạnh ân cha mẹ, ân thầy tổ, ân Tam bảo, thì còn có ân với các anh hùng liệt sỹ đã nằm xuống để Việt Nam được hòa bình, thống nhất. Và trong đại lễ kỷ niệm 77 năm ngày Thương Binh – Liệt sĩ, Chư tăng ni cùng đông đảo Phật tử, nhân dân đã trang nghiêm thành kính, cẩn cúi mình thắp lên từng nén hương trên mộ phần các anh tại nghĩa trang liệt sĩ.
Huyện đảo Cô Tô – vùng biển thiêng liêng, trấn giữ biển đảo Đông Bắc của tổ quốc. Nơi lớp lớp ông cha đã hy sinh xương máu để giữ vững chủ quyền, biên cương, bờ cõi quốc gia. Vì vậy, trong giờ phút thiêng liêng này, bách tăng đã hợp tâm, đồng trí lập đàn cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở các vùng biển đảo tổ quốc từ Cô Tô, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ đến Lý Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa… Nghi lễ không chỉ khẳng định sự sống mãi của các anh mà còn nhắc nhở mỗi người cần có trách nhiệm hơn với tổ quốc, với cộng đồng xã hội, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng đi theo tiếng gọi non sông để tiếp nối bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo tổ quốc.
Với những người anh hùng đã hy sinh một phần máu thịt để bảo vệ bình yên cho tổ quốc, đây là dịp để được ôn lại những kỷ niệm khó quên của khoảng thời gian hoa lửa. Những món quà nhỏ, đơn sơ chẳng xóa nhòa được nỗi đau thể xác hay mất mát về tinh thần nhưng là tình cảm ấm áp gửi tới mỗi gia đình chính sách, mỗi người thương binh như ông Hồng. Là công binh đánh cầu từng chiến đấu tại các chiến trường Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, nay ông vẫn mang trong mình chất độc da cam, mất 40% sức khỏe.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã sang trang độc lập và bình yên, nhưng nỗi đau, sự mất mát của bao thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, bà mẹ VN anh hùng vẫn còn đó. Vì vậy, mỗi cá nhân, đoàn thể bằng việc làm cụ thể, thiết thực, cần tích cực tham gia các hoạt động tri ân báo ân, coi đó là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự góp phần tô bồi truyền thống nhân nghĩa, trung hiếu của dân tộc Việt.
Niềm vui bất ngờ từ những người Phật tử trẻ
Cùng với những hoạt động về nguồn, cầu siêu, dâng hương hoa tại các nghĩa trang liệt sĩ của chư Tăng ni thì những Phật tử và đặc biệt là Phật tử trẻ cũng thấm lời dạy và thể hiện sự tri ân báo ân theo nhiều cách. Chung tay chăm sóc, dọn dẹp những ngôi nhà của người có công, mẹ VNAH là những việc mà các phật tử trẻ tại Quảng Bình vẫn thường làm nhiều năm qua.
Chiến Thắng và Thu Hà là 2 Phật tử trẻ tại tỉnh Quảng Bình. Hôm nay, các bạn đã dậy từ rất sớm để chuẩn bị những điều thật đặc biệt. Cả hai đến chợ hoa, tỉ mỉ chọn từng loại cây và sau rất nhiều băn khoăn, họ ưng ý với chậu xương rồng khá đẹp.
Trong khi Thắng chở cây đi thì Thu Hà tiếp tục di chuyển đến chợ dân sinh, tại đây, cô và nhiều Phật tử cùng trang lứa mua hoa quả, bánh trái rồi cả chiếc mũ cối như thế này. Và giờ, họ sẽ cùng tạo nên sự bất ngờ cho những cựu chiến binh tại địa phương.
Điểm đến đầu tiên của các Phật tử trẻ là nhà ông Nguyễn Công Hạnh, người cựu binh mang trên mình nỗi đau thương tật từ chiến trường để lại. Tại đây, cả nhóm không chỉ trò chuyện thân mật, mà còn giúp ông dọn dẹp nhà cửa, quét lại góc sân, mảnh vườn.
Chỉ thoáng chốc, căn nhà trở nên sáng sủa và gọn gàng hơn rất nhiều. Có sự nhanh chóng như vậy là vì các bạn phân công hợp lý để dành thêm thời gian tạo bất ngờ cho những cựu binh khác.
Điểm đến tiếp theo là nhà cựu chiến binh Võ Văn Quận, người đảng viên kiên trung với hơn 50 năm tuổi Đảng. Bên cạnh dọn dẹp cho căn nhà của ông khang trang và sáng sủa hơn, các bạn còn trát lại giúp ông mảnh sân vụn vỡ trước nhà. Dù lần đầu làm quen với xi-măng, cát sỏi nhưng những thợ nề không chuyên này vẫn làm cho mảnh sân phẳng lại, không chỗ nào gồ ghề.
Bên cạnh đó, các bạn còn giúp ông trang trí thêm cây xanh, chính là loại cây xương rồng vừa mua và đó cũng là thông điệp mà họ muốn gửi tới người cựu binh có nhiều đóng góp cho đất nước.
Và điều đặc biệt nhất của hoạt động tri ân lần này là đây…. Khỏi phải nói, người cựu binh đã bất ngờ và tràn đầy niêm vui như thế nào khi được tặng bộ quân phục và chiếc mũ cối mới tinh. Không chỉ vậy, ông còn được các Phật tử trẻ giúp hớt lại mái tóc cho gọn gàng, để khi khoác lên mình chiến bào khi xưa, ít nhất…vẫn tìm lại được bóng hình, khí chất của thời thanh xuân.
Chỉ bằng các hoạt động nhỏ nhưng sáng tạo, những thanh thiếu niên Phật tử tại tỉnh Quảng Bình cũng như thanh thiếu niên phật tử cả nước đang ngày ngày thể hiện tinh thần báo ân theo lời dạy của đức Phật, cũng là truyền thống đáng quý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt từ ngàn đời. Những cử chỉ ân cần, món quà có ý nghĩa tinh thần lớn lao đã mang đến cho các cựu chiến binh, bà mẹ Việt Nam anh hùng niềm vui bất ngờ và ý nghĩa. Đây chính là lời nhắn nhủ của thế hệ sau với các bậc tiền nhân. Rằng, họ sẽ không bao giờ bị lãng quên.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 26.07.2024:
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
11 lượt thích 0 bình luận