Bản tin Bchannel – An Viên 24H 26.12.2023
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 26.12.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Đắk Lắk tổng kết hoạt động Phật sự năm 2023; Phật giáo quận Long Biên (Hà Nội) tổng kết Phật sự 2023; Hội nghị đối thoại với chức sắc các tổ chức tôn giáo (Gia Lai).
Cụm tin địa phương
Gia Lai: Hội nghị đối thoại với chức sắc các tổ chức tôn giáo
Sáng ngày 26.12, tại Hội trường 2/9 (TP. Pleiku), gần 70 chức sắc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã dự Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Lãnh đạo UBND tỉnh năm 2023.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã thông tin tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội tỉnh trong năm 2023. Để đạt được kết quả đó là nhờ sự góp sức của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Sau đó, lãnh đạo địa phương đã trao đổi các vấn đề liên quan đến đất đai tôn giáo, đăng ký điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung; hướng giải quyết các vấn đề tồn đọng nhằm phát huy vai trò của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo trong tham gia phát triển kinh tế-xã hội.
Đà Nẵng: Hội nghị UBMTTQVN TP lần thứ 12
Tại Đà Nẵng, chiều 25.12, UBMTTQVN TP đã tổ chức Hội nghị lần thứ 12, khoá XI, nhiệm kỳ 2019-2024. Hội nghị đánh giá kết quả công tác mặt trận năm 2023, đề ra chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2024, hiệp thương cử thay thế uỷ viên UbMTTQVN TP khoá XI. Tại đây, hoà thượng Thích Từ Nghiêm, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN TP được giới thiệu bổ sung vào ủy viên UBMTTQVN TP. Dịp này, nhiều đơn vị và cá nhân Phật giáo TP nhận bằng khen vì có đóng góp to lớn Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc.
Cụm tin Phật sự
Đắk Lắk: Tổng kết hoạt động Phật sự năm 2023
Ngày 26.12, BTS GHPGVN tỉnh Dak Lak đã Tổng kết công tác Phật sự năm 2023 và triển khai hoạt động năm 2024.
Tại Hội nghị, chư tôn đức Ban thư ký đã báo cáo các hoạt động nổi bật năm 2023. Toàn tỉnh là 690 Tăng ni, 67 đơn vị GĐPT. Ban thông tin truyền thông phối hợp đăng tải nhiều Phật sự nhanh chóng, kịp thời; huy động gần 33 tỷ đồng cho TTXH; sự phối hợp giữa Giáo hội các cấp. nhanh và hiệu quả hơn. Tuy vậy, lượng Tăng ni dấn thân về 1 số huyện vùng xa như M’Drắk, Ea Súp, Lắk còn hạn chế. Thời gian tới, BTS sẽ quản lý chặt chẽ các hồ sơ đăng ký thành lập điểm nhóm sinh hoạt Tôn giáo tập trung, cơ sở tự viện,
Vĩnh Phúc: Nhiều kết quả nổi bật trong cuộc họp tổng kết năm
Sáng ngày 26.12, BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc cũng tổng kết công tác Phật sự năm 2023. Theo đó, nhiều hoạt động Phật sự quan trọng diễn ra như Đại giới đàn với 158 giới tử thọ giới; Lễ trao Giáo chỉ Tấn phong Giáo phẩm; công tác Hướng dẫn Phật tử, Hoằng Pháp, hoạt động từ thiện. Phát huy kết quả đạt được, năm 2024, BTS đề ra nhiều phật sự quan trọng, đưa phật giáo tỉnh ngày càng phát triển.
Đồng Nai: BTS GHPGVN tỉnh họp với các ban ngành trực thuộc
Trong khi đó tại Đồng Nai, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã họp cùng các ban ngành trực thuộc. Tại đây, các ban chuyên môn đã lần lượt báo cáo công tác Phật sự năm 2023 và phương hướng Phật sự năm 2024, nhận được những đóng góp để điều chỉnh và bổ sung. Đúc kết phiên họp, TT.Thích Huệ Khai – UVTT HĐTS, Trưởng Ban Trị sự nêu lên những mặt tích cực, các còn hạn chế và có những chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho từng ban.
Hà Nội: Phật giáo quận Long Biên tổng kết Phật sự 2023
Còn tại Hà Nội, sáng ngày 25.12, Ban Trị sự GHPGVN quận Long Biên cũng Tổng kết Phật sự năm 2023 và đề ra Phương hướng hoạt động năm 2024. Theo đó, Phật giáo quận đạt nhiều thành tựu về hoằng pháp, giáo dục, từ thiện xã hội. Dịp này, 31 tập thể và 11 cá nhân đạt được thành tích xuất sắc trong năm 2023 nhận khen thưởng.
Cụm tin đào tạo
TT – Huế: Đại học Tây Lai (Hoa Kỳ) thăm học viện Phật giáo
Vào chiều ngày 25.12 Học viện PGVN tại Huế đã đón phái đoàn Trường Đại học Tây Lai (Hoa Kỳ) đến thăm và làm việc.
Tại đây, chư tôn đức đã giới thiệu sơ lược về quá trình hình thành, phát triển và công tác đào tạo của Học viện; mong muốn sẽ có sự hợp tác, trao đổi hai đơn vị về phương pháp giáo dục cũng như nghiên cứu. Phái đoàn Trường Đại học Tây Lai cũng giới thiệu sơ lược về công tác đào tạo, giảng dạy của nhà trường. Dịp này hai bên đã ký biên bản hợp tác về giáo dục, công tác đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy.
Trà Vinh: Tuyển sinh trung cấp ngành văn thư hành chính
Mới đây, BTS GHPGVN tỉnh Trà Vinh đã có thông báo việc BTS GHPGVN cấp huyện cử tối thiểu 1 Chư Tôn đức Tăng Ni phụ trách Văn phòng BTS tham gia tuyển sinh Văn thư hành chính trình độ trung cấp. Khóa học hơn 1 năm, giúp cho Tăng Ni nâng cao kỹ năng trình độ chuyên môn, nắm bắt công tác hành chính quản trị văn phòng phục vụ công tác Giáo hội thời gian tới.
Tăng Ni sinh Việt Nam vượt khó giữa đảo quốc Sri Lanka
Sri lanka đang trải qua những khó khăn do khủng hoảng kinh tế khiến đời sống của không chỉ người dân mà còn cả Tăng Ni sinh các nước tới đây tu học bị ảnh hưởng. Nhưng với tinh thần vươn lên, chư TNS Việt Nam vẫn có cách để vượt qua khó khăn.
Tại xóm nhỏ một vùng ngoại ô của thủ đô Colombo…Nơi đây có ngôi chùa rất đặc biệt mang tên Sri saddhatissa. Sự đặc biệt không đến từ kiến trúc, cảnh quan mà ở sự nỗ lực của những con người đang sinh sống và tu học nơi này.
Kể từ đợt khủng hoảng kinh tế, vật giá leo thang, những thứ thiết yếu như rau, củ, quả tại Sri Lanka đều tăng giá gấp nhiều lần. Vì lý do đó mà khoảng sân này trước đây vốn là bê-tông, giờ được 6 Ni sinh Việt Nam cải tạo lại thành vườn rau khá lớn.
Các hạt giống được mang từ Việt Nam, qua sự chăm sóc của chư ni đã nảy nở thành các loại cây như bồ ngót, cây cóc, cây xà lách phát triển khỏe mạnh và là nguồn thực phẩm chính giúp các ni sinh yên tâm học tập.
Nói thêm một chút về bữa cơm, toàn bộ quá trình chế biến chỉ khoảng 5-10 phút. Đặc biệt, trong giai đoạn thi cử, thời gian dành cho việc ăn uống còn rút ngắn hơn nữa để tập trung toàn bộ vào bài vở. Chính vì lý do đó mà bữa ăn ngày thường đã đạm bạc nay càng thêm phần giản đơn.
Tập trung toàn bộ cho việc học nhưng không đồng nghĩa là bỏ qua các thời khóa tụng kinh, niệm phật hay lao động chấp tác. Nếp sống xưa ở Việt Nam thế nào, nay ở Sri Lanka, chư ni vẫn tuân thủ y vậy. Có chăng là ít thời gian nghỉ ngơi hơn và học nhiều hơn.
Trong số Ni sinh ở đây, nhiều người đã 3-4 năm chưa được về thăm quê hương, đất nước. Phần vì bận việc học, phần thì nghĩ rằng, tiết kiệm chi phí đi lại mua được thêm ít sách vở, tài liệu học tập. Rất nhớ…nhưng… nay chưa về thì mai sẽ về và cống hiến…Còn giờ, xin gác lại nỗi niềm đó vào màn đêm và trang sách.
Phật sự hiệu quả nhờ sâu sát với các cấp cơ sở
Năm qua đã ghi nhận sự chủ động của BTS GHPGVN một số tỉnh, thành trong việc sâu sát với BTS các cấp cơ sở. Từ những chuyến làm việc trực tiếp chư Tôn đức lãnh đạo BTS tỉnh đã nắm bắt và kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn, qua đó, tạo thuận lợi và hiệu quả trong các công tác điều hành, quản lý Phật sự chung.
Với 440 cơ sở Tự viện, 3789 Tăng Ni, BRVT là một trong những địa phương có số lượng Tăng Ni Phật tử đông của cả nước. Đây là một lợi thế nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý đối với ngành Tăng sự của Phật giáo tỉnh nhà khi địa bàn rộng, có nhiều vụ việc tranh chấp, kiện tụng. Trước những vấn đề như vậy, 2 năm qua, Thường trực BTS GHPGVN tỉnh dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Thích Huệ Trí, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS đã thường xuyên tiếp xúc, thăm hỏi BTS cấp huyện, thị, thành phố và chư Tăng Ni địa phương nhằm nắm bắt tâm tư, từng bước tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.
Cũng nhờ có sự sâu sát, chỉ đạo trực tiếp của BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai mà những phát sinh tranh chấp về đất đai tôn giáo tại một số cơ sở tự viện tại huyện Tân Phú đã nhanh chóng được xử lý, việc tu học của Tăng Ni và sinh hoạt tâm linh của đồng bào Phật tử được ổn định.
Với sự tâm huyết, nhiều Tăng Ni dấn thân hành đạo ở những nơi vùng sâu, vùng xa còn đó những trăn trở và rất nhiều khó khăn chưa được các cấp Giáo hội nhìn thấy, thấu hiểu để có thể tháo gỡ, chỉ đạo kịp thời. Chính vì lẽ đó, mà những chuyến làm việc trực tiếp của chư Tôn đức BTS GHPGVN tỉnh với các cấp cơ sở mang rất nhiều ý nghĩa.
Cũng thông qua các cuộc làm việc trực tiếp, mà các chủ trương, chỉ đạo của GH, các điểm mới trong Nội quy ban Tăng sự hay như việc thành lập Ban Quản trị các cơ sở tự viện được thông suốt tới chư Tăng Ni trụ trì các địa phương, giúp chư Tăng Ni hiểu đúng và làm đúng, phát huy được hết năng lực và bổn phận phụng sự chúng sanh, vì sự phát triển của mái nhà chung GH.
Hành trình mang đông ấm đến vùng cao
Những ngày cuối năm Quý Mão, các bản làng nơi vùng cao chìm trong rét đậm, rét hại. Vẫn còn đó những ngôi nhà tranh gió thổi tứ bề, những em nhỏ chân trần run rẩy… Thấu hiểu khó khăn, vất vả ấy, chư tôn đức, phật tử và nhiều câu lạc bộ thiện nguyện trên mọi miền Tổ quốc không quản ngại đường xa, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, mang đông ấm đến với bà con vùng cao.
Vượt gần 1.000 km từ thủ đô Hà Nội, những thành viên trong câu lạc bộ Nối Vòng Tay Lớn mang trong mình những tình cảm ấm áp, cùng nhiều phần quà giá trị, đến với đồng bào và các em học sinh trên địa bàn xã biên giới Pá Mỳ, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Dịp này, có trên 600 em học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở được nhận áo ấm, ủng, tất và bánh kẹo. Ngoài ra, trên 85 học sinh mầm non xã Pá Mỳ được đơn vị Thiện nguyện tổ chức các bữa ăn tập trung.
Bên cạnh đó, nhằm chia sẻ với khó khăn của người dân trên địa bàn, câu lạc bộ đã trực tiếp trao tặng 134 suất quà cho các hộ nghèo, trị giá gần 200 triệu đồng. Mỗi phần quà gồm một bộ đèn năng lượng mặt trời, đồ dùng sinh hoạt và các nhu yếu phẩm cần thiết.
Với hơn 134 hộ gia đình nghèo tại xã Pá Mỳ, ánh sáng được thắp lên từ những chiếc đèn năng lượng mặt trời do câu lạc bộ Nối Vòng Tay Lớn TP.Hà Nội trao tặng, là món quà đầy ý nghĩa và nhân văn, giúp người dân có ánh sáng để cải thiện sinh hoạt hàng ngày, không gian vì thế mà cũng ấm cúng hơn.
Trời đông buốt giá, song những cô, cậu học trò ở vùng cao Sơn La đang được sưởi ấm. Ngọn lửa ấm áp trên sân trường trở thành một phần không thể thiếu với cô trò Trường mầm non Bình Minh Co Mạ, huyện Thuận Châu, Sơn La trong khi nhiệt độ xuống thấp, chỉ còn 5 – 7 độ C. Những đứa trẻ với đôi má ửng đỏ vì lạnh, bàn tay tê buốt… háo hức ngồi xung quanh sưởi ấm.
Dù nhiệt độ xuống thấp, tiết trời lạnh giá, có những ngày trường học chìm trong sương mù dày đặc, nhưng gần 600 học sinh tại 11 điểm trường vẫn đi học đều đặn. Mỗi phòng lớp học, không gian sinh hoạt của nhà trường đều được chỉnh trang, đảm bảo đủ ấm, duy trì hoạt động dạy và học nhờ hoạt động ý nghĩa của các nhóm thiện nguyện trên cả nước.
Tại Trường PTDT Bán trú THCS Co Mạ, có hơn 630 học sinh, trong đó phần lớn sinh hoạt tập trung tại khu bán trú và khu trọ xung quanh trường do hầu hết nhà các em ở xa. Đặc biệt, phần lớn các em là con em đồng bào dân tộc, điều kiện kinh tế khó khăn. Địa hình chia cắt cùng diễn biến phức tạp của thời tiết đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động giảng dạy, học tập của thầy trò. Để chia sẻ với cô, trò Trường PTDT Bán trú THCS Co Mạ, nhiều chăn ấm, quần áo, giày dép của các tổ chức từ thiện khắp mọi nơi cũng được gửi tới ủng hộ các em học sinh. Sự quan tâm và những món quà ấm áp đã giúp học trò vùng cao thêm phấn khởi, nỗ lực học tập.
Tại Hà Giang, một tủ quần áo ấm được đặt trang trọng ngay tại Cơ sở sinh hoạt hội đoàn Phật tử xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình suốt 7 năm qua. Sư cô Thích Nữ Diệu Ân, UV BTS GHPGVN tỉnh khởi xướng, dành nhiều tâm huyết cho “ngôi nhà” ấm áp đến với đồng bào. Nhận thấy bà con gặp nhiều khó khăn, nỗi lo cơm áo luôn đeo đẳng, nhất là phải gánh chịu cái lạnh thấu xương, sư cô vận động, kết nối sự chung tay ủng hộ của các nhóm thiện nguyện vùng xuôi, vận chuyển quần áo ấm đến với bà con.
Đã từ lâu, tủ quần áo từ thiện trở thành “người bạn thân thiết” với bà con vùng cao khó khăn nơi đây. Có những bộ quần áo ấm cho người già, trẻ, trai, gái, và cả những em nhỏ. Nhiều bà con đã phải băng qua núi non, đi bộ hàng chục km để đến nhận những chiếc áo ấm. Những bộ quần áo lành lặn, phẳng phiu được nâng niu trao gửi đã phần nào giúp họ bớt nỗi lo về mùa đông giá rét.
Tiếng trống trường vang vọng nơi điểm trường Hạ Sơn, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Đây cũng là một trong những nơi sư cô Thích Nữ Diệu Ân thường xuyên hỗ trợ giúp đỡ các em nhỏ. Tại điểm trường vùng III khó khăn này, phần lớn là người đồng bào dân tộc, cái ăn còn thiếu, huống chi cái mặc.
Để chia sẻ, giúp đỡ cô trò chống chọi với cái rét, sư cô Thích Nữ Diệu Ân hỗ trợ thảm trải sàn lớp học, những bộ quần áo ấm áp đến với các em nhỏ. Giữa mùa đông giá rét, tình cảm chân thành của sư cô dành cho các em nhỏ khiến ai đấy cũng đều xúc động.
Từng đôi giày dép mới, những chiếc áo ấm hay những món quà yêu thương được sư cô trao tới tay trẻ nhỏ vùng cao, chứa chan tình cảm. Sự yêu thương, sẻ chia, tình cảm đó đã giúp đỡ cô trò điểm trường Hạ Sơn có mùa Đông ấm áp, xua tan cái giá lạnh.
Rét đậm, rét hại vẫn đang tiếp diễn nơi vùng cao, hơn bao giờ hết, rất cần cộng đồng chung tay, mang hơi ấm đến với bà con, giúp họ vượt qua những ngày đông khắc nghiệt. Và chắc chắn rằng, trên hành trình ấy, luôn có sự đồng hành, sẻ chia của những người con Phật để sự ấm áp, yêu thương lan tỏa khắp muôn nơi.
Cụm tin văn hoá
Hà Nội: Nuôi dưỡng, phát triển di sản ca trù
Sau 4 tháng phát động, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác lời thơ mới cho các thể cách hát nói trong ca trù.
Với 135 tác phẩm dự thi, từ nhiều tác giả không hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật song lại dành sự quan tâm đặc biệt cho hát nói trong ca trù. Ban tổ chức trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích cho các tác giả và tác phẩm Ca trù là bộ môn nghệ thuật có truyền thống lâu đời, với nhiều thể thức khác nhau. Hát nói là một kiểu thức của ca trù.
Hà Nội: Múa rối nước Đào Thục là di sản quốc gia
Cũng tại Hà Nội, huyện Đông Anh đã tổ chức Lễ đón nhận quyết định và trao giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật trình diễn múa rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm). Đào Thục là một ngôi làng cổ, nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 25 km, lưu giữ những tích trò cổ; cỗ vũ sáng tác thêm nhiều tích trò mới, ca ngợi quê hương, đất nước, thể hiện sự tiếp nối truyền thống của làng.
Những làng hoa, cây cảnh ở Hưng Yên vào vụ Tết
Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thế nhưng tại các làng hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên không khí xuân đã cận kề. Văn Giang cũng được mệnh danh là “thủ phủ” hoa, cây cảnh của Hưng Yên, những ngày cuối năm, đến đây, du khách có thể cảm nhận được bức tranh mùa xuân đầy màu sắc.
Những ngày này, gia đình chị Nguyễn Thị Vân ở xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang đang tích cực chăm sóc gần 600 cây bưởi cảnh để kịp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng vườn nhà chị đã gần 300 cây bưởi và 30 cây quýt thế được khách đặt mua.
Những năm qua, nhiều hộ trồng cây cảnh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cũng đã thay đổi phương thức canh tác, tỉ mỉ chăm sóc và tạo dáng thế cho cây để phù hợp thị hiếu khách hàng.
Còn đối với người dân tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, mùa xuân năm nay dường như về sớm hơn mọi nơi, bởi chính quyền cùng bà con đang tổ chức Lễ hội làng hoa Xuân Quan- lần thứ 3 để giới thiệu các sản phẩm hoa, cây cảnh đến khách hàng xa gần.
Một mùa Xuân mới đang đến gần, những người trồng hoa, cây cảnh ở Hưng Yên vẫn đang tất bật, chạy đua với thời gian để mang không khí xuân đến với mọi nhà vì một Tết Giáp Thìn ấm no, hạnh phúc..
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 26.12.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
10 lượt thích 0 bình luận