Bản tin Bchannel – An Viên 24H 27.01.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 27.01.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tưởng niệm Đức Đệ Tam Pháp Chủ GHPGVN Hà Nội; Họp mặt đại diện dân tộc – tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu.
Hà Nội: Tưởng niệm Đức Đệ Tam Pháp Chủ GHPGVN
Đều đặn năm nào cũng vậy, vào những ngày cận Tết Nguyên đán, chư tôn đức tăng ni BTS GHPGVN TP Hà Nội lại trở về Tổ đình Viên Minh – huyện Phú Xuyên đảnh lễ Tổ sư và khánh tuế Đức Đệ Tam Pháp Chủ GHPGVN – Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ. Mặc dù ngôi chùa đã vắng bóng Ngài, nhưng chư tôn đức vẫn giữ truyền thống đó với mong muốn tưởng nhớ đến bậc tòng lâm thạch trụ của GHPGVN.
Đoàn đảnh lễ trước bảo tháp, thành kính trì tụng kinh văn trước Giác linh đài Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN. Trải qua 105 năm hiện diện ở cõi Sa Bà, với 85 hạ lạp, trên ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài đã góp phần to lớn vào sự nghiệp làm sáng danh đạo Phật và dân tộc Việt Nam.
Đối với mỗi chư tôn đức tăng ni thủ đô, hình bóng Ngài vẫn in đậm trong tâm khảm về một bậc chân tu với đời sống thanh bần, giản dị.
Các địa phương chúc Tết Giáp Thìn
TP.HCM
Chiều nay ngày 27.01, đoàn lãnh đạo TP.HCM do ông Nguyễn Phước Lộc – Phó Bí thư Thành ủy đã đến thăm chúc tết BTS GHPGVN thành phố, bày tỏ mong muốn Phật giáo thành phố tiếp tục chung sức, đồng hành trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, an sinh xã hội. Cảm ơn tình cảm của đoàn, Hoà thượng Thích Lệ Trang – UVTT HĐTS, Trưởng BTS chúc lãnh đạo thành phố năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc, thành tựu mọi công tác, xây dựng TP.HCM ngày càng văn minh, hiện đại và nghĩa tình.
Bình Dương
Còn tại tỉnh Bình Dương, đoàn lãnh đạo Công an tỉnh chúc mừng năm mới Giáp Thìn (2024) đến Tăng Ni, Phật tử GHPGVN tỉnh. Đại diện đoàn tị tưởng Phật giáo tỉnh nhà tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an địa phương; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Đáp lời, HT.Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch HDTS, Trưởng BTS tỉnh trân trọng cảm ơn, gửi lời chúc sức khỏe, an vui, và mong lực lượng Công an tỉnh tiếp tục hỗ trợ các công tác Phật sự năm 2024.
Bà Rịa – Vũng Tàu
Trước đó chiều ngày 26-1, đoàn lãnh đạo tỉnh BRVT đã chúc Tết đến chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, đánh giá cao những đóng góp của chư Tăng Ni, Phật tử trong hoạt động xã hội, các phong trào thi đua yêu nước. Đáp lời, Thượng tọa Thích Nhuận Nghĩa, UV HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực BTS cảm ơn sự quan tâm của đoàn, thông tin về những thành tựu mà Phật giáo tỉnh đã đạt được trong năm qua…
Đồng Nai
Cùng thời gian này tại tỉnh Đồng Nai, đoàn BTS GHPGVN tỉnh do thượng tọa Thích Huệ Khai – UVTT HĐTS, Trưởng BTS làm trưởng đoàn đã thăm lãnh đạo tỉnh nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024. Chư tôn đức cho biết, các kết quả phật sự đạt được năm qua đã nhận sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của các cấp lãnh đạo tỉnh. Đại diện lãnh đạo tỉnh cũng gửi lời chúc mừng năm mới và mong muốn Phật giáo tỉnh tiếp tục đóng góp để đưa địa phương ngày càng phát triển.
TT – Huế
Sáng nay ngày 27.01 tại chùa Từ Đàm, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã thăm và gửi lời chúc mừng năm mới sức khỏe, an lạc và thành công đến chư tôn đức Thường trực Ban Trị sự, chư Tăng Ni và Phật tử trong tỉnh. Cảm ơn đoàn, chư tôn đức BTS cũng gửi lời chúc toàn thể thành viên năm mới sức khỏe và thành tựu mọi công tác.
An Giang
Còn tại tỉnh An Giang, Đoàn BTS GHPGVN tỉnh cũng đã đến chúc Tết Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và cho biết chư tăng ni, phật tử đã hoàn thành tốt công tác phật sự, đóng góp an sinh xã hội trên 40 tỷ đồng, cất 40 nhà Đại đoàn kết. Đại diện Bộ CHQS tỉnh trân trọng cảm ơn đồng thời gửi lời chúc chư tăng ni, phật tử đón năm mới vui tươi, an lành, hạnh phúc, chung sức xây dựng quê hương An Giang ngày càng phát triển.
Họp mặt đại diện dân tộc – tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu
Bình Định
Sáng ngày 27.01, Ban Tôn giáo tỉnh Bình Định đã tổ chức gặp mặt chức sắc tôn giáo nhân dịp đón xuân mới Giáp Thìn 2024.
Tại hội nghị, Lãnh đạo Ban Tôn giáo tỉnh Bình Định đánh giá cao những kết quả đã đạt được của các chức sắc, chức việc tôn giáo, không ngừng phát huy vai trò sống tốt đời đẹp đạo, gắn bó với sự phát triển của đất nước. Phát biểu tại Hội nghị, TT.Thích Đồng Thành, UV HĐTS, Phó Trưởng BTS GHPGVN tỉnh cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Sở Nội vụ, Ban Tôn giáo hỗ trợ cho hoạt động của các tôn giáo thời gian qua.
An Giang
Còn tại tỉnh An Giang, 150 chức sắc, chức việc, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo đã tham dự buổi họp mặt với UBND tỉnh. Tại đây, ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy biểu dương đóng góp của đồng bào các dân tộc, các vị chức sắc, chức việc, đồng bào có đạo đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội. Các tổ chức tôn giáo, người có uy tín đã vận động đồng bào tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, chăm lo an sinh xã hội địa phương.
Tiền Giang
Cùng thời gian này, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang mặt đại biểu Tôn giáo – Dân tộc tiêu biểu Xuân Giáp Thìn 2024. Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trân trọng cảm ơn đóng góp tích cực của chức sắc các tôn giáo, đồng bào có đạo trong tỉnh đối với sự phát triển của tỉnh thời gian qua. Nhân dịp đón năm mới, lãnh đạo Tỉnh chúc các vị chức sắc các tôn giáo, cùng toàn thể các tín đồ, đồng bào có đạo an khang, thịnh vượng, nhiều thắng lợi mới.
Bến Tre
Trong khi đó, tại Hội nghị họp mặt chức sắc tiêu biểu các tôn giáo tỉnh Bến Tre, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã báo cáo một số kết quả các tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động năm 2023. Theo đó, các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tích cực giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời ủng hộ số tiền trên 148 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội.
Cụm tin Phật sự
Dịp cuối năm, các ban chuyên ngành của Phật giáo các địa phương đã lần lượt tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Phật sự 2023.
TP.HCM: Ban Hoằng pháp GHPGVN TP tổng kết Phật sự năm 2023
Sáng hôm nay ngày 27.01, Ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM Tổng kết công tác Phật sự 2023 và cho biết đã nỗ lực duy trì công tác thuyết giảng Phật pháp hàng tuần, cũng như nhân các sự kiện quan trọng; Tổ chức thành công Hội thi thuyết giảng cấp TP, khen thưởng học sinh giỏi là con em của Phật tử. Dịp này, chư tôn đức thống nhất bổ sung 2 vị trí Phó trưởng ban và 1 vị trí Chánh thư ký, thảo luận về Hội thi Giáo lý cho Phật tử năm 2024.
Sóc Trăng: Tăng cường tinh thần đoàn kết vùng đồng bào dân tộc
Còn tại Sóc Trăng, tại Hội nghị tổng kết năm 2023, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh cho biết đã làm tốt vai trò cầu nối giữa sư sãi, đồng bào phật tử với các cấp ủy, chính quyền và mặt trận, đoàn thể các cấp; triển khai tích cực việc dạy và học tiếng Khmer trong 131 trường học với hơn 44.400 học sinh. Các tự viện phật giáo Nam tông phát huy tốt công tác từ thiện xã hội với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng.
Cụm tin từ thiện
Bình Phước
Sáng nay ngày 27.01, BTS GHPGVN tỉnh Bình Phước phối hợp với các cơ quan ban ngành tổ chức chương trình “Tết nhân ái, Quân – Dân” Xuân Giáp Thìn 2024.
Tại Chùa Tỉnh Hội – Trụ sở BTS GHPGVN tỉnh Bình Phước, 200 người dân tham gia “gian hàng 0 đồng” và nhận phần quà yêu thương với kinh thực hiện 100 triệu đồng. Dịp này, 150 gia đình cũng được tham gia khám bệnh, cấp thuốc thuốc miễn phí bởi đội ngũ y, bác sĩ của trung tâm Y tế Đồng Xoài và của Bệnh viện quân dân y 16. Binh đoàn 16.
Đồng Nai
Ban Trị sự GHPGVN thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cùng các đơn vị vừa tổ chức chương trình ” Xuân gắn kết – Tết yêu thương”. Tại đây, Ban tổ chức đã trao 400 suất quà tại huyện Nhơn Trạch, huyện Vĩnh Cửu và thành phố Biên Hòa để bà con khó khăn vui xuân đón Tết.
Bến Tre
Còn tại tỉnh Bến Tre, TT.Thích Nhuận Thuận – Trụ Trì Chùa Huệ Quang, TP.HCM và quý Phật tử, mạnh thường quân đã tặng quà đến 100 người khiếm thị khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tặng phẩm bao gồm nhu yếu phẩm và tiền mặt với tổng trị giá 50 triệu đồng, giúp bà con vượt qua nghịch cảnh, đón xuân mới an vui, hạnh phúc.
Điểm sáng Phật sự các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên
Miền Trung và Tây nguyên – 2 khu vực nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa Bắc Bộ và Nam Bộ có tầm quan trọng lớn đối với đất nước về mặt kinh tế, văn hóa, lịch sử và địa lý. Chính vì lẽ đó mà GHPGVN các tỉnh thành 2 khu vực này luôn đặc biệt quan tâm, nỗ lực để đồng hành cùng người dân, hướng tới xây dựng xã hội giàu mạnh, văn minh. Và gần 300 tỷ đồng cho công tác từ thiện xã hội là những nỗ lực của chư tôn đức 15 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong năm qua. Bên cách đó còn có rất nhiều điểm sáng Phật sự khác.
Thiên tai, bão lũ, nhiều vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn…mà cụ thể hơn là nghèo. Đó là một phần trong bức tranh về miền Trung và Tây Nguyên mà xã hội thường tưởng tượng khi nghĩ đến. Điều đó cũng đúng…nhưng chưa đủ. Bởi đan xen trong những gam màu tối đó thì miền trung và Tây Nguyên giờ đây có rất nhiều mảng sáng khi mà nền kinh tế có sự tăng trưởng nhanh chóng, cơ sở hạ tầng và đời sống đồng bào dân tộc đã có nhiều khởi sắc.
Và tỉ lệ thuận với những chuyển biến tích cực này là sự phát triển mạnh mẽ từ công tác Phật sự của Phật giáo 15 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Những nỗ lực của chư tôn đức tăng ni từ công tác ASXH, hoằng pháp nơi vùng sâu, vùng xa, kiện toàn bộ máy giáo hội hay như kiến tạo các mùa lễ hội thúc đẩy du lịch đã góp phần thu hẹp dần khoảng cách giữa các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung với cả nước. Đặc biệt trong năm 2023, chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid 19.
Năm 2023 có thể nói là năm mà BTS GHPGVN các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác kiện toàn bộ máy giáo hội. Chỉ riêng tại tỉnh Quảng Nam, địa phương này đã đăng ký thành lập 04 điểm sinh hoạt tập trung tại huyện Tiên Phước, huyện Quế Sơn và Thị xã Điện Bàn. Đặc biệt hơn nữa là thành lập BTS GHPGVN huyện Nam Giang – huyện miền núi vùng biên giới Việt – Lào, đồng bào chủ yếu là Cơ tu, Ve, Tà Riềng. Toàn huyện có một ngôi chùa, điều kiện địa lý cách trở, đời sống cư dân đặc thù khu vực miền núi còn khó khăn nhiều mặt. Thông qua việc thành lập, BTS GHPGVN Tỉnh mở ra rất nhiều cơ hội cho Phật tử tiếp cận sự tu học chân chánh.
Cũng với công tác dân tộc, Quảng Trị là địa phương có hơn 10% dân số tỉnh (khoảng 59.000 người) là dân tộc thiểu số. Trong đó, chủ yếu là dân tộc Pa kô và Vân Kiều, tập trung tại 2 huyện Hướng Hóa; Đakrông. Coi việc hỗ trợ, ổn định đời sống cho bà con dân tộc là trong những công tác trọng tâm, năm 2023, sau 1 năm thành lập, Phân ban Phật tử Dân tộc tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như an vị Phật tập trung cho 115 hộ gia đình (2 lần), quy y cho hơn 500 Phật tử, xây dựng nhà tình thương, phát quà từ thiện, cơm cháo nghĩa tình tại bệnh viện Hướng Hóa (6 kỳ.tháng), thăm hỏi động viên bà con lúc ốm đau…
Ngoài ra, năm qua cũng đánh dấu chặng đường 70 năm hình thành và phát triển mạnh mẽ của tổ chức Gia đình Phật tử tỉnh Quảng Trị. Đến nay, GĐPT tỉnh có 166 đơn vị với 2400 huynh trưởng, đoàn sinh tiêu biểu đại diện cho hơn 10000 thành viên. Các thế hệ huynh trưởng đoàn sinh luôn luôn đồng tâm hiệp lực, hy sinh và cống hiến, hộ trì Tam bảo trong việc giáo dục đạo đức Phật giáo cho thế hệ Thanh thiếu nhi có nếp sống hướng thiện, góp phần phụng sự Đạo pháp, Dân tộc.
Còn tại Thừa Thiên Huế, nổi bật là “Lễ kỷ niệm 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân” và “Hội thảo khoa học thiền phái Liễu Quán – Lịch sử hình thành và phát triển”. Những Phật sự này không chỉ là dịp giúp hàng hậu thế bảy tỏ lòng kính tín, tri ân đến các bậc tiền bối, danh sư, mà còn là cơ hội để công chúng hiểu hơn về lịch sử Phật giáo, về sự hy sinh, dấn thân của tiền nhân vì sự bình yên của dân tộc, vì sự phát triển của Phật giáo.
Cùng chú trọng tính khoa học trong các sự kiện Phật giáo, BTS GHPGVN các tỉnh miền Trung còn làm đa dạng bản sắc văn hóa của từng địa phương. Hàng loạt lễ hội lớn đã được tổ chức ở khắp các tỉnh thành. Và đặc biệt tỉnh Quảng Bình là điểm sáng cho công tác Phật sự trong năm 2023. Bởi lần đầu tiên tại mảnh đất này, người dân được chứng kiến đại lễ Phật Đản quy mô và nhiều chương trình đặc sắc. Rồi trước đó là Lễ Hội Di Tích Lịch Sử Chùa Hoằng Phúc thu hút tới hàng chục vạn lượt khách tới chung vui, tô thắm bản sắc văn hóa địa phương với nghi lễ lấy nước thiêng, tắm tượng Phật. Có thể nói năm 2023, Phật giáo đã mang tới cho người dân Quảng Bình bầu không khí lễ hội.
Nếu như ở các tỉnh miền Trung rộn ràng với các lễ hội thì khu vực Tây Nguyên luôn tươi vui trong tiếng cồng chiêng của bà con đồng bào. Như tỉnh Dak Lak hiện có đến 49 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 32,5%. Đời sống bà con các dân tộc còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu là canh tác nông nghiệp, tự cung tự cấp. Với gần 700 Tăng Ni đang sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, và hàng trăm nghìn Phật tử; mỗi người góp một tay, công tác từ thiện xã hội của Phật giáo tỉnh Dak Lak năm 2023 cao nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên, với tổng số tiền gần 32,6 tỷ đồng.
Công tác hướng dẫn Phật tử tu học cũng luôn được Phật giáo các tỉnh Tây Nguyên đặc biệt quan tâm. Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 46 cơ sở tự viện nhưng có đến 25 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung – một trong những tỉnh có nhiều điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung nhất cả nước. Việc công nhận chùa cần rất nhiều thời gian và thủ tục pháp lý, chính vì vậy điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung là giải pháp trước mắt để bà con nhân dân có nơi tu học, được hướng dẫn bài bản về giáo lý Phật đà.
Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, số lượng Tăng Ni và tự viện tỉnh Kon Tum còn khá khiêm tốn – 100 Tăng Ni, 35 tự viện. Vui mừng khi thời gian qua được nhà nước thống nhất cho chủ trương thêm 8 nơi thành lập tự viện mới, đang hoàn thiện hồ sơ. Và với đặc thù của một tỉnh vùng Tây Nguyên, văn hóa không chỉ phát triển trong cộng đồng như âm thanh, pháp khí, in ấn kinh sách…
Không chỉ có vậy, với vị trí địa lý một số tỉnh Tây Nguyên giáp với các nước bạn, việc giao lưu Phật giáo giữa các tỉnh, các nước trong năm 2023 cũng được tăng cường. Đó là việc quan trọng để thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị dân tộc nói chung và học hỏi lẫn nhau trong mọi hoạt động Phật sự.
Năm 2023 được coi là năm đầy khó khăn và là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội IX-GHPGVN. Nhìn lại 365 ngày qua, với hàng loạt những điểm sáng Phật sự của Phật giáo các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, có thể thấy đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt khó vượt khổ của chư Tăng Ni, Phật tử địa phương. Đây cũng là động lực, sự khích lệ để cùng cố gắng hơn nữa, hoàn thành mọi mục tiêu đề ra của năm Giáp Thìn 2024.
Giọt hồng từ bi chùa Pháp Vân
12 năm qua, chùa Pháp Vân, quận Hoàng Mai, Hà Nội duy trì hoạt động Hiến máu tình nguyện 2 năm một lần, lan tỏa tinh thần bố thí nội tài của những người con Phật. Hôm nay ngày 27.01, hơn 500 Phật tử đã vân tập về chùa, trao đi giọt hồng sự sống, đảm bảo nguồn máu cấp cứu và điều trị dự trữ dịp Tết Nguyên đán.
“Khi tới chùa hiến máu, mình được dâng lời khấn nguyện lên Đức Phật và cảm thấy vô cùng xúc động, hy vọng những giọt máu của mình được chuyển tới những người bệnh cần máu…” – Phật tử Phương Thuận (Ba Đình, Hà Nội)
Đó là cảm xúc chung của hàng trăm Phật tử khi tới chùa Pháp Vân, quận Hoàng Mai, Hà Nội trong buổi sáng ngày hôm nay, tham gia vào nghi thức đặc biệt, chỉ có tại chùa: dâng lời khấn nguyện lên Đức Phật trước khi hiến máu. Trao giọt máu đào là việc làm thiết thực, áp dụng lời dạy của Đức Thế Tôn ngay trong đời sống hàng ngày.
Hàng năm, cứ mỗi dịp Đại lễ Phật đản và Tết nguyên đán, chùa Pháp Vân lại tổ chức hiến máu tình nguyện, cung cấp nguồn máu dự trữ cho Viện huyết học và Truyền máu Trung ương trước mỗi dịp nghỉ hè và nghỉ Tết. Chương trình nhận được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, khẳng định giá trị tốt đẹp của Đạo Phật.
Bên cạnh các chương trình trao tặng quà, Hiến máu tình nguyện là một trong số những hoạt động nhân văn trọng tâm của chùa Pháp Vân mỗi dịp Tết. Hàng trăm đơn vị máu sau chương trình, sẽ là nguồn động viên lớn lao, giúp người bệnh cần máu an tâm điều trị, nhanh chóng đoàn tụ gia đình.
“Tết đến trong mình” – Nơi trẻ nhỏ trải nghiệm Tết xưa
Giữa nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị Tết xưa đang dần bị mai một. Chính vì vậy, việc gìn giữ các trò chơi dân gian, tái hiện các hình ảnh thân thuộc dịp Tết được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Và vừa qua, một chương trình đặc biệt mang tên “Tết đến trong mình” được tổ chức, đem đến không gian trải nghiệm hương vị Tết truyền thống cho các em nhỏ.
Theo chị Ngọc Ánh, huyện Thanh Trì, Hà Nội; việc đô thị hóa nhanh chóng khiến các em nhỏ mất dần không gian trải nghiệm trò chơi truyền thống, nhất là dịp Tết.
Bên cạnh việc tham gia vào nhiều hoạt động trải nghiệm bổ ích, các em nhỏ còn được khám phá nét đẹp trang phục dân tộc và phong tục ăn Tết của nhiều bà con dân tộc khắp mọi miền đất nước. Các nhạc cụ với các âm hưởng dân gian như kích thích các giác quan của con trẻ. Hành trình trở về với giá trị Tết xưa chưa bao giờ sinh động như thế.
Thông qua những hoạt động trải nghiệm ý nghĩa này, các bạn nhỏ có cơ hội làm quen, tiếp xúc và trân trọng những giá trị truyền thống của cha ông. Để Tết về không chỉ là dịp đoàn viên bên gia đình, mà còn là lúc nhìn lại những giá trị tốt đẹp của dân tộc, lan tỏa phong tục ngày Tết cổ truyền Việt Nam.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 27.01.2024:
https://www.youtube.com/watch?v=owtc4JOIIek
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
20 lượt thích 0 bình luận