Bản tin Bchannel – An Viên 24H 27.04.2024

29/04/2024 10:41:46 34588 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 27.04.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Ninh Bình: Kỷ niệm 10 năm danh thắng Tràng An là di sản thế giới; Hân hoan chuẩn bị Phật đản trên xứ Huế; Cơm chay miễn phí mang niềm vui đến người bệnh.

Ninh Bình: Kỷ niệm 10 năm Danh thắng Tràng An là Di sản thế giới

Tối 26/4, tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (2014 – 2024) với chủ đề “Tràng An – Ngọc đất Việt”. Tham dự có Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, lãnh đạo Đảng, nhà nước và chư tôn giáo phẩm GHPGVN.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang biểu dương thành tích trong lĩnh vực bảo tồn di sản mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được một thập kỷ qua. Quần thể danh thắng Tràng An là điểm nhấn đặc biệt của thiên nhiên, con người Ninh Bình; đồng thời là biểu tượng của sự cam kết có trách nhiệm của Việt Nam thực hiện công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa tự nhiên của thế giới.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Ninh Bình, các cấp, ngành chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong việc bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị di sản toàn cầu nhất là đối với UNESCO nhằm quảng bá mạnh mẽ giá trị hình ảnh văn hóa, con người, thiên nhiên Ninh Bình đến với bạn bè trong nước, quốc tế.

Cùng ngày, lễ hội “Về miền di sản Tràng An 2024” đã diễn ra nhằm tưởng nhớ, tri ân Đức Thánh Quý Minh Đại Vương – người có công trong sự nghiệp gìn giữ nước nhà. Lễ hội cũng là dịp để cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa đúng dịp kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, giới thiệu nét văn hóa truyền thống, rực rỡ sắc màu, mang đậm đặc trưng của các vùng miền.

Thanh Hóa: BTS GHPGVN tỉnh ký kết phối hợp Ủy Ban MTTQ Tỉnh

Thực hiện chương trình hành động năm 2024, chiều ngày 26/4, tại chùa Đại Bi, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã ký kết phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh.

Tại đây, hai bên cùng thảo luận và thống nhất 8 nội dung phối hợp trọng tâm gồm: tuyên truyền, vận động Tăng Ni, Phật tử và Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về đại đoàn kết toàn dân tộc; Hỗ trợ giáo hội các cấp và Tăng, Ni tổ chức, tham gia các hoạt động nhân đạo, ngày lễ Tết, lễ trọng, các sự kiện lớn của Phật giáo… trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm; Tham mưu, giải quyết các vấn đề liên quan đến xây dựng, trùng tu cơ sở thờ tự; vận động các tự viện hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, phong trào xây dựng “Chùa cảnh tinh tiến, gương mẫu”; thường xuyên nắm bắt tình hình tín ngưỡng, tôn giáo… và tâm tư nguyện vọng của đồng bào để kịp thời giải quyết, góp phần xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân.

CỤM TIN ĐỊA PHƯƠNG

Để tạo duyên cho người phật tử, nhiều tự viện tại các tỉnh thành đã tổ chức khóa tu xuất gia gieo duyên.

Sáng nay ngày 27/04  đã trang nghiêm diễn ra lễ Khai mạc,  truyền giới xuất gia gieo duyên cho 110 hành giả và truyền Bát quan trai giới cho 110 Phật tử tại trú xứ chùa Quan Âm Đông Hải (TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Sau phần nghi thức, các hành giả đồng loạt tiếp nhận y pháp dưới sự chứng minh chư tôn đức. Đây là Khoá tu Xuất gia gieo duyên lần thứ 5, tạo cơ hội để người Phật tử trưởng dưỡng tâm bồ đề, đắp xây niềm kính tin Tam bảo.

Trong khi đó, Thiền viện Phước Sơn (tỉnh Đồng Nai) cũng tổ chức khóa tu xuất gia gieo duyên lần 17, diễn ra đến ngày 1/5 mang chủ đề “để làm mới tâm trí” với 117 tu sinh tham dự. Tại đây, chư tôn đức chia sẻ ý nghĩa của việc xuất gia gieo duyên và tập trung học hỏi, trau dồi tu học kinh Tứ niệm xứ, Tam tạng Thánh điển Pali…, thực hành thiền vipassana. Từ đó hiểu hơn về giáo lý đạo Phật, giúp tâm nguyện thêm vững chắc.

Hân hoan chuẩn bị Phật đản trên Xứ Huế

Hòa trong không khi hân hoan đón mừng Ngày Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni đản sinh, Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế thời gian qua đã thi công cắt dán các cánh sen hồng để chuẩn bị cho việc lắp ráp, hạ thủy và gia cố 7 hoa sen giữa dòng Hương.

Là sinh viên khóa 12 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, đây là lần thứ 3 Tăng sinh Thích Hoa Nghiêm thực hiện công tác dán các cánh sen. Rời xa mái chùa Linh Ứng (Đà Nẵng) và đang theo học tại Học viện, hoạt động này như là trải nghiệm đầy cảm xúc của Tăng sinh Thích Hoa Nghiêm dâng lên cúng dường nhân ngày Đức Phật đản sinh.

Với tấm lòng thành kính, Tăng Ni sinh từng bước hoàn thành 168 cánh hoa sen. Kết quả này sẽ được đội ngũ kỹ thuật kết thành 7 hoa sen khổng lồ tôn trí tại dòng Hương, tạo nên biểu tượng của Tuần lễ Phật đản PL.2568-DL.2024 tại Thừa Thiên Huế.

Sau khi hạ thủy 7 hoa sen, BTS GHPGVN tỉnh TT-Huế cử hành lễ Thắp sáng vào tối 15/5 tại Nghinh Lương đình. Mỗi đoá hoa sen là minh chứng cho sự nỗ lực, tâm huyết và tình cảm của chư tăng ni dâng lên Đức Thế Tôn và ngày đản sinh của ngài.

CỤM TIN TỪ THIỆN

Những ngày vừa qua, GHPGVN tại nhiều tỉnh thành vẫn chung tay, góp sức tổ chức các đợt từ thiện giúp đỡ bà con khó khăn đúng với tinh thần từ bi, lợi đạo ích đời.

Sáng nay ngày 27/4, chùa Liên Hoa và chùa Giác Tánh (TP.HCM) trao 160m khối nước ngọt, 500 thùng nước lọc (20L) đến người dân vùng “rốn hạn mặn” huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang… Qua đó, san sẻ được bớt phần nào khó khăn và giúp ổn định cuộc sống cho người dân.

Sáng nay ngày 27/4 Phân ban Phật tử dân tộc – Ban HDPT GHPGVN tỉnh Gia Lai cùng các cơ quan trao nhà đại đoàn kết và tặng thêm các thiết bị gia đình cho bà Hoàng Thị Hương xã Ia Piơr, huyện Chư Prông. Ngôi nhà trị giá 80 triệu đồng do Phân ban PTDT TƯGH và chùa Minh Giác (TP.HCM) tài trợ xây dựng. Dịp này chùa Minh Giác trao 70 suất quà từ thiện, trị giá 35 triệu đồng đến bà con.

Trước đó, ngày 26/04, chư Tôn đức Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ tại tỉnh Vĩnh Long đã tặng 150 phần quà tại Đạo tràng Ngọc Nghĩa (tỉnh Đắk Nông). Tặng phẩm gồm gạo, mì, quần áo, tiền mặt; với tổng trị giá hơn 80 triệu đồng hướng đến ngày Đản sinh của đức Thích ca Mâu ni Phật.

Cơm chay miễn phí mang niềm vui đến người bệnh

Bếp chay Linh Vân là cái tên quen thuộc mà bệnh nhân người đồng bào dân tộc ở tỉnh Điện Biên háo hức chờ đón hàng tuần. Các thành viên tại bếp ăn không chỉ mang đến hàng trăm suất cơm chay nóng hổi, mà còn mang đến niềm hy vọng, sự sẻ chia. Trong phần tiếp theo của Bản tin, kính mời quý vị đến với bếp chay tại điểm sinh hoạt tôn giáo Linh Vân, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên để cùng thấy rõ được nỗ lực trong việc lan tỏa, kết nối tấm lòng thiện nguyện.

Mỗi người trong nhóm thiện nguyện đều có hoàn cảnh, điều kiện cuộc sống khác nhau, cũng có người vất vả trăm bề. Tuy nhiên, mang tâm niệm sẻ chia khó khăn cùng bệnh nhân nghèo, bếp cơm từ thiện được duy trì gần 2 năm qua. Người góp công, người góp của, hết lòng nấu những món ăn ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng.

Hàng chục tấm lòng thiện nguyện tất bật từ sáng sớm đến trưa để chuẩn bị, sơ chế, cùng nhau làm công việc thầm lặng nhưng chứa đầy tình yêu thương. Tuy giá trị mỗi suất cơm không lớn, nhưng là tình cảm, tấm lòng, giúp cho các bệnh nhân cảm nhận sự sẻ chia, tình nhân ái.

Đều đặn mỗi tháng 4 lần, bếp nấu từ 300 – 400 suất ăn phục vụ bệnh nhân tại Bệnh viện phổi, Bệnh viện Tâm Thần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh… Trao đi để nhận lại niềm vui chính là động lực để các thành viên tiếp tục giữ lửa cho Bếp cơm Linh Vân hoạt động.

Bếp chay không chỉ mang đến niềm vui tinh thần cho người bệnh mà còn lan tỏa giá trị yêu thương vì cộng đồng. Mong rằng, bếp có thêm sự chung tay, góp sức nhiều hơn nữa để mô hình này được nhân rộng, giúp hàng trăm người bệnh có thêm bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng để chiến thắng bệnh tật.

Sự hy sinh thầm lặng của những người con Phật

Nếu có cơ hội tham dự các sự kiện Phật giáo; nếu để ý, quý vị sẽ thấy rất nhiều tình nguyện viên, Phật tử hỗ trợ công tác hậu cần. Không lương, không thưởng; họ làm hoàn toàn với tinh thần tự nguyện, cúng dường. Ấy chính là sự hy sinh thầm lặng của những người con Phật.

Các tình nguyện viên này đều là các sinh viên đến từ nhiều trường Đại học, Cao đẳng khác nhau trên địa bàn TP. Cần Thơ. Mỗi Phật sự của TP hay của các chùa mà cần hỗ trợ, các bạn chẳng ngại ngần, hăng hái đăng ký tham gia. Giữa cái nắng gắt của những ngày tháng 4, mồ hôi rơi từng dòng nhưng nụ cười vẫn thường trực trên mặt. Bên cạnh đó còn có các tình nguyện viên đủ lứa tuổi cần mẫn từ sáng đến tối, từ ngày này qua ngày khác.

Còn tại tỉnh Bến Tre, CLB Bồ Đề hoạt động đến nay cũng đã được 11 năm, thường xuyên hỗ trợ hậu cần cho các hoạt động của Phật giáo tỉnh cũng như các tự viện. Những cốc nước thơm ngon do CLB cúng dường đã giúp xua tan đi cái oi ả của xứ dừa. Với các thành viên, hạnh phúc  là được phụng sự.

Công việc hậu cần với sự hy sinh thầm lặng nhưng đã góp phần không nhỏ vào các Phật sự. Tất cả đều làm bằng cái tâm trong sáng, sự hoan hỉ và hết lòng phụng sự Tam bảo, mang niềm vui cho đời, cho người.

Nỗ lực phục hồi, trùng tu tự viện

Phục hồi và trùng tu tự viện là yêu cầu thực tế, cấp thiết tại nhiều địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá – lịch sử – tôn giáo, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cho đông đảo bà con, phật tử. Nội dung “Phục hồi tự viện” đã được đề ra trong quy chế Ban Tăng sự TƯGH nhiệm kỳ 2022-2027 và gần đây được một số địa phương đề cập đến trong HN giao ban giữa VP2 TƯGH với Phật giáo các tỉnh thành phía Nam. Làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ phục hồi những tự viện đang bị bào mòn bởi thời gian; phục hồi và trùng tu ra sao để không làm mất đi những giá trị văn hoá tâm linh của những ngôi cổ tự hàng trăm năm tuổi?

Là địa phương chịu nhiều hy sinh, mất mát trong 2 cuộc kháng chiến, Quảng Nam có số lượng đối tượng chính sách nhiều nhất nước với hơn 65.000 liệt sĩ, 15.000 Mẹ VNAH, hàng chục nghìn thương bệnh binh. Hệ quả của chiến tranh không chỉ ảnh hưởng tới các gia đình xứ Quảng mà còn cả những ngôi tự viện.

Chiến tranh đã lùi xa tới nửa thế kỷ, thế nhưng, trên khắp các huyện, thị thuộc tỉnh Quảng Nam ngày nay, vẫn còn rất nhiều tự viện là phế tích và đang chờ từng ngày để được phục hồi. Như tại xã Quế Minh, huyện Quế Sơn, ngôi chùa Sơn Lộc chỉ còn sót lại 1 tòa sen và bệ đá xi măng. Theo các bô lão trong làng, vào năm 1975, ngôi chùa đã hoang tàn và chỉ còn một số tượng Phật, không ai nhang khói, dần dần trở thành phế tích.

Như ngôi chùa Trúc Lâm tọa lạc tại thôn Phú Hương, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc…nếu không phải người dân địa phương, sẽ rất khó để có thể tìm ra vị trí nơi này. Bởi giờ đây, đứng trên vị trí chùa xưa là một khu đồi nhà cửa san sát, dân cư đông đúc. Dấu tích còn sót lại của chùa Trúc Lâm về =mặt kiến trúc là một bệ đá tảng hình tròn, loại đá tía, chạm hình tám cánh sen cách điệu. Ngoài ra, tại đây còn có giếng nước và ngôi mộ với tấm bia ghi Lâm Tế Chính Tông Tam Thập Cửu Thế Trần Lưu Quận Bố Chung Chi Linh Mộ, Mậu Tuất Niên Kiến Dựng”

Theo các vị cao niên trong làng, vào năm 1968, quân đội Mỹ trưng dụng đất chùa làm cơ sở quân sự, tượng Phật thất tán, nhà cửa hoang tàn không lâu sau đó.

Cũng trên địa bàn xã Đại Quang, tại vùng đất giáp ranh giữa thôn Đông Lâm và thôn Hòa Thạch đã từng tồn tại ngôi cổ tự có tên Bàn Trạch. So với chùa Trúc Lâm thì chùa Bàn Trạch vẫn còn di chỉ nền móng rõ ràng, diện tích khoảng 70m2 và một số áng thờ bằng xi măng được làm sau này, bề tượng hình hoa sen và chân tượng Phật trong tư tế ngồi kiết già nằm trên áng thờ và lư nhang vẫn còn. Và tất nhiên, ngôi chùa này cũng đang trong tình trạng không biết bao giờ mới được phục hồi. Dù rằng, nhu cầu là vô cùng cấp thiết.

Trước thực tế của các địa phương nhằm khôi phục di sản của thế hệ trước, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của bà con nhân dân, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc… Quy chế Ban Tăng sự trung ương GHPGVN NK IX (2022-2027) ban hành ngày 14/3/2023 đã nêu khá rõ về việc phục hồi tự viện tại Điều 19. Trong đó quy định cụ thể quy trình thủ tục, hồ sơ và tiêu chí cần và đủ để phục hồi di tích tự viện bị hư hoại do chiến tranh hoặc hoàn cảnh khác. 

Quy chế đã có nhưng trong quá trình triển khai thực hiện các địa phương gặp các khó khăn, vướng mắc, chủ yếu trong vấn đề về quy hoạch đất đai hay chứng minh di tích, tàn tích của tự viện v.v.

Bên cạnh những vướng mắc nêu trên thì việc khôi phục, kiến thiết di tích tự viện đó như thế nào để đảm bảo tính thẩm mỹ, lối kiến trúc, yếu tố vùng miền và đặc biệt thể hiện được sự am hiểu sâu sắc kiến thức văn hoá Phật giáo cũng cần được tính đến và cần có hướng dẫn cụ thể hơn.  

Chùa Ngũ Đài tại phường Hoàng Tiến, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương là một đại danh lam cổ tích, có vị trí quan trọng của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Tại đây phát hiện nền móng, hiện vật từ thời Trần (thế kỷ 13, 14), thời Hậu Lê (thế kỷ 17, 18) và kéo dài đến thời Nguyễn (thế kỷ 19, 20). Trải qua sự phong hóa của thời gian và biến thiên lịch sử, các ngôi chùa tại núi Ngũ Đài dần trở thành phế tích. Do đó, việc bảo tồn phục dựng là cấp thiết.

Ngày 29/09/2023, Sở văn hoá thể thao và du lịch tỉnh Hải Dương phối hợp BTS GHPGVN tỉnh khởi công hạng mục tam quan, gác chuông khu di tích lịch sử văn hoá chùa Ngũ Đài. Phương án tu bổ, tôn tạo được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định hiện hành với nguyên tắc bảo tồn tối đa yếu tố gốc là nền móng kiến trúc đã từng tồn tại; phục dựng đảm bảo theo lối kiến trúc truyền thống và gắn với quy hoạch tổng thể của tỉnh Hải Dương và các di sản văn hóa khu vực Đông Bắc của Việt Nam.

Là một trong những địa phương có nhiều ngôi tự viện cổ được xây dựng hàng trăm, hàng nghìn năm trước, những năm qua, công tác tu bổ, tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử – văn hoá trên địa bàn tỉnh Hải Dương luôn được quan tâm, đầu tư và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Chùa Giám tại xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng và chùa Trăm Gian tại xã An Bình (Nam Sách) là 2 ngôi cổ tự đang được trùng tu với kinh phí lần lượt là 31 tỷ đồng và 29 tỷ đồng. Đây không chỉ là là những di tích quốc gia quan trọng của tỉnh, lưu giữ những di vật quý như: toàn cửu phẩm liên hoa, gác chuông, mộc bản … mà còn ghi dấu ấn Phật giáo một thời vàng son. Do đó, việc tôn tạo trùng tu những di tích quốc gia này có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn dấu ấn Phật giáo quan trọng mà ông cha để lại.

Thực tế cho thấy, các tự viện khi được quan tâm, phục hồi, trùng tu đúng cách thì đều đã và đang phát huy tốt giá trị văn hoá, lịch sử, tâm linh vốn có, không chỉ góp phần gìn giữ di sản văn hóa quý báu của dân tộc mà còn được khai thác hiệu quả phục vụ du lịch, trở thành động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của mỗi địa phương, vùng miền.

CỤM TIN QUỐC TẾ

Tại Đài Loan, Trung Quốc, các tự viện đang dần thay thế bóng đèn truyền thống bằng thiết bị điện sử dụng năng lượng mặt trời, thể hiện nỗ lực trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Thành phố Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc) đã hướng dẫn các tự viện thay thế hoàn toàn bóng đèn truyền thống bằng đèn led sử dụng năng lượng mặt trời, giảm thiểu khí thải carbon, thân thiện với môi trường. Sau khi áp dụng, lượng điện tiêu thụ đã giảm 50% và nhận được ủng hộ của đông đảo Tăng Ni, Phật tử. Bên cạnh đó, việc đốt hương, vàng mã cũng được cắt giảm, lan tỏa trách nhiệm và thông điệp tích cực về lối sống xanh trong cộng đồng.

Còn tại Hàn Quốc, cũng với ý nghĩa bảo vệ môi trường, các tự viện tổ chức Lễ hội Vẽ đèn lồng, nhằm bảo vệ các loài sinh vật và Trái đất. Tại đây, Chư tôn đức đã thuyết giảng lời dạy của Đức Phật về tôn trọng sự sống, bảo vệ muôn loài, đồng thời đưa ra các nguyên tắc để chung sống hài hòa với thiên nhiên. Thời gian tới, các tự viện tiếp tục vận động Phật tử hạn chế sử dụng sản phẩm dùng một lần, quyên góp quần áo và sách vở không dùng đến, sử dụng vật liệu tái chế.

CỤM TIN VĂN HÓA

Hòa chung không khí kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã khai mạc triển lãm với chủ đề “Đường lên Điện Biên”.

Bằng ngôn ngữ tạo hình phong phú, 70 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, ký họa, áp phích… của 34 tác giả, sáng tác trải dài từ năm 1949-2009, đã khắc hoạ chân thực, sinh động cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đặc biệt, ngoài triển lãm trực tiếp truyền thống, lần đầu tiên các tác phẩm được trình chiếu bằng công nghệ hiện đại, tạo trải nghiệm mới mẻ với công chúng. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 15/5 tới.

Còn tại tỉnh Thái Nguyên, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hoá tổ chức Triển lãm “Từ ATK Thái Nguyên đến chiến thắng Điện Biên Phủ”. Triển lãm có gần 200 hình ảnh tư liệu lịch sử được chia thành hai phần chính, khẳng định vai trò và ý nghĩa của ATK Định Hóa, Thái Nguyên, nơi ghi dấu sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị đã thông qua chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954, quyết định mở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong khi đó, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp Bảo tàng chiến thắng B52 – Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức triển lãm ảnh “Việt Nam – Những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới”. Triển lãm gồm 70 hình ảnh đặc sắc, được chia thành 3 phần đó là: chiến thắng Điện Biên Phủ; cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh – giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 31/5.

Hợp luyện các khối diễu binh Quân đội

Để chuẩn bị tốt nhất cho Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 26/4, Tiểu Ban diễu hành, Bộ Quốc phòng tiến hành hợp luyện lần đầu các khối diễu binh, diễu hành thuộc lực lượng Quân đội tại sân Vận động tỉnh Điện Biên.

Sau khi kết thúc các nghi thức chính như chào cờ, quân nhạc, các khối diễu binh, diễu hành đã lần lượt tiến qua lễ đài chính trong tiếng nhạc hào hùng. Mặc dù thời tiết nắng nóng, oi bức, tuy nhiên với quyết tâm tái hiện khí thế hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ, các khối đều nỗ lực tập luyện hết mình. Những bước chân vững chắc, ánh mắt toát lên lòng tự hào, sự quyết tâm cao độ để thực hiện tốt nhiệm vụ đầy vinh dự này. 

Trong buổi họp luyện đầu tiên, các khối diễu binh, diễu hành ngoài đi hành lễ trong sân vận động tỉnh Điện Biên còn tiến hành diễu binh, diễu hành trên một số tuyến phố của thành phố Điện Biên Phủ. Sự động viên, cổ vũ của đông đảo người dân càng tăng thêm sự quyết tâm, nhiệt huyết tập luyện của các khối.

Hoạt động diễu binh, diễu hành là điểm nhấn quan trọng của Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của sự kiện. Ban diễu hành cùng cán bộ, chiến sĩ tham gia đang nỗ lực vượt qua khó khăn, hăng say luyện tập để chuẩn bị tốt nhất cho Lễ kỷ niệm vào ngày 7/5 tới.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 27.04.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

2 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 17.05.2024

Bản tin 24h 18/05/2024 11:28:40

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 17.05.2024

Bản tin 24h 18-05-2024 11:28:40

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 17.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Khuyến cáo người dân thực hành tín ngưỡng đúng pháp luật; TPHCM: Trang nghiêm tác pháp An cư tại Học viện Phật giáo; Đại lễ kỷ niệm 190 năm thành lập ngôi chùa Việt trên đất Thái.
2359 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 16.05.2024

Bản tin 24h 17/05/2024 09:50:40

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 16.05.2024

Bản tin 24h 17-05-2024 09:50:40

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 16.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Các cơ quan, ban ngành TƯ chúc mừng TƯGH nhân mùa Phật Đản PL.2578; Hân hoan đón mừng Phật Đản bên sông Cà Ty; Nhớ mùa Phật Đản năm xưa.
2427 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.05.2024

Bản tin 24h 16/05/2024 09:25:56

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.05.2024

Bản tin 24h 16-05-2024 09:25:56

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lãnh đạo TP.HCM thăm, chúc mừng Đại lễ Phật đản; Hòa hợp, gắn kết Phật giáo Việt Nam và Myanmar; Trang nghiêm tắm Phật dọc mảnh đất hình chữ S.
4748 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 14.05.2024

Bản tin 24h 15/05/2024 09:15:11

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 14.05.2024

Bản tin 24h 15-05-2024 09:15:11

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 14.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Các phái đoàn chúc mừng Phật đản PL. 2568; Phật đản - Mùa của yêu thương và hiểu biết; Sắc màu kiệu hoa rước Phật.
13361 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 07.05.2024

Bản tin 24h 08/05/2024 09:00:32

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 07.05.2024

Bản tin 24h 08-05-2024 09:00:32

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 07.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Điện Biên: Nhiều phái đoàn chúc mừng kỷ niệm 10 năm BTS GHPGVN tỉnh; Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Phật giáo; Hà Nội: Trang nghiêm tưởng niệm cố Trưởng lão Hoà thượng Kim Cương Tử.
1472 lượt xem 0 Bình luận