Bản tin Bchannel – An Viên 24H 29.02.2024

01/03/2024 09:18:22 4949 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 29.02.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Ấn Độ: Ban Văn hóa TƯGH làm việc với UB quản lý các tự viện tại Bồ Đề Đạo Tràng; Gia Lai: Gặp mặt chức sắc các Tôn giáo đầu xuân Giáp Thìn; Gia Lai: Gặp mặt chức sắc các Tôn giáo đầu xuân Giáp Thìn

Ấn Độ: Ban Văn hóa TƯGH làm việc với UB Quản lý các tự viện tại Bồ Đề Đạo Tràng

Chiều ngày 28/2, trong khuôn khổ chuyến chiêm bái Phật tích tại Ấn Độ, Ban Văn hóa TƯGH đã đến thăm, làm việc với Uỷ ban quản lý các tự viện tại Bồ Đề Đạo Tràng.

Trong không khí thân mật, Hòa thượng Thích Thọ Lạc – UVTT HĐTS, trưởng Ban Văn hóa TƯGH cùng chư tôn đức, quý Phật tử gặp gỡ Uỷ ban quản lý các tự viện tại Bồ Đề Đạo Tràng để tiếp tục thảo luận về đề xuất xây dựng trụ kinh chuyển Pháp luân, biểu tượng kiến trúc Phật giáo Việt Nam tại các thánh tích Phật giáo thuộc Ấn Độ, trong đó có Bồ Đề Đạo Tràng.

Hai bên đã thảo luận nhằm góp phần nâng cao tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai đất nước nói chung và Phật giáo 2 nước nói riêng; thẳng thắn, khách quan nhìn nhận những khó khăn khi thực hiện Dự án tại di sản văn hóa thế giới do UNESCO công nhận. Trong thời gian tới, dự án này sẽ được xem xét đề xuất khi mở rộng thánh tích Mahabodhi ở Bồ Đề Đạo Tràng.

Trước đó, đoàn Ban Văn hóa TƯGH đã thăm chùa Mahabodhi, thăm chùa Kiều Đàm Di – ngôi chùa của Ni giới Phật giáo Việt Nam và tham quan nơi Đức Thế Tôn giác ngộ.

Gia Lai: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo đầu xuân Giáp Thìn

Ngày 28/2, tại Gia Lai, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã gặp mặt quý chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn. Đây là hoạt động định kỳ của địa phương nhằm thúc đẩy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn.

Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo tỉnh đã gửi lời chúc mừng năm mới an lành đến chư tôn đức Tăng, Ni cùng quý chức sắc, chức việc các tôn giáo. Thông tin về tình hình kinh tế – xã hội của địa phương, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh gửi lời cảm ơn các tôn giáo đã tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động như: xây dựng nhà đại đoàn kết, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa với tổng kinh phí huy động gần 23 tỷ đồng.

Hà Nội: Phát động Tết trồng cây tại chùa Minh Ngộ

Chiều ngày 29/2, Chùa Minh Ngộ, Gia Lâm, Hà Nội phối hợp cùng các cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương phát động Tết trồng cây và thả cá phóng sinh, góp phần bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng phong trào Tết trồng cây, 20 cây Vải, 20 cây Mận, cùng một số loại cây đã được TT. Thích Thanh Tuấn, Phó Tổng thư ký HĐTS – Chánh Văn phòng I TƯGH, Trụ trì chùa Minh Ngộ cùng các cơ quan, ban ngành trồng tại khuôn viên chùa. Ngoài ra, chùa cũng phóng sinh 2 tạ cá chép. Tất cả đều được chọn kỹ lưỡng với tâm nguyện đào hồ phóng sinh tạo phúc đức, nguồn sống cho sinh vật.

Những hoạt động này không chỉ giúp làm đẹp cảnh quan, tạo bóng mát cho người dân mỗi khi tới chùa mà còn góp phần làm đa dạng môi trường sinh học, nhân rộng ý thức bảo vệ môi trường cho Phật tử và nhân dân địa phương.

Giữ gìn môi trường nơi cửa Thiền

Theo ước tính mỗi năm người Việt đốt gần 60.000 tấn vàng mã, tương ứng với đó là gần 5.800 tỷ đồng hóa thành tro bụi. Điều này không chỉ lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn trong phòng cháy chữa cháy. Để góp phần thay đổi thói quen này, nhiều tự viện đã nói không với việc đốt vàng mã.

Chùa Yên Phú, huyện Thanh Trì, Hà Nội…

Chiếc lư hương đồng hóa vàng mã nằm trong góc chùa nhiều năm nay không còn cảnh nghi ngút khói, chỉ còn lại tàn tro. Bởi điều đầu tiên trong nội quy của chùa là không mang vàng mã vào chùa. Vì vậy, người tới lễ chùa cũng đã quen với điều này và cảm thấy bình an, thư thái hơn.

Còn đây là khung cảnh tại chùa Phổ Linh (thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). Từ nhiều năm nay, không chỉ quy định không đốt vàng mã mà ngay cả việc thắp hương, nhà chùa cũng chọn hương vòng không khói và thắp đại diện trong nội tự. Cảnh quan chùa luôn được giữ gìn sạch sẽ, thanh tịnh, nhiều cây xanh được trồng và chăm sóc.

Một bầu không khí bình an bằng chánh tín, để ai cũng hiểu đúng rằng Phật là chỗ dựa tinh thần, không thể ban phát trái với tinh thần nhân quả.

Bình an vốn không nằm ở việc đốt vàng mã nhiều hay ít, mà nằm trong tâm ở mỗi người. Hạn chế đốt vàng mã và thắp nhang đã góp phần bảo vệ môi trường nơi cửa thiền và hướng người dân, phật tử theo chiều hướng tích cực hơn./.

Lan tỏa y đức, hạnh nguyện cứu người

Hơn 10 năm qua, Ni sư Thích Nữ Hạnh Lý, Trụ trì chùa Phổ Tịnh, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã dành nhiều công sức tổ chức phòng khám y học cổ truyền, chữa bệnh miễn phí cho bà con nhân dân. Ni sư là một trong những tấm gương lan tỏa y đức, hạnh nguyện cứu người, giúp đời!

Tiếp nối truyền thống của gia đình là chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; từ bé, Ni sư TN. Hạnh Lý đã có tâm nguyện chữa bệnh cứu người. Ngoài việc tu học giáo lý Phật pháp, Ni sư luôn tích cực, miệt mài nghiên cứu học tập kiến thức y học cổ truyền. Năm 2011, Ni sư được bổ nhiệm về trụ trì chùa Phổ Tịnh, liền sau đó, năm 2012, đã xây dựng Tuệ tĩnh đường Phổ Tịnh, tổ chức khám, điều trị, cấp thuốc miễn phí cho bà con nhân dân.

Hằng tuần, Tuệ tĩnh đường khám và chữa bệnh vào mỗi buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 7. Bệnh nhân đến khám, châm cứu, phần lớn trong số đó mắc các chứng cơ, xương, khớp, thần kinh…

Trước việc làm nghĩa cử cao đẹp của Ni sư TN. Hạnh Lý và các lương y, nhiều Phật tử, nhà thuốc đông y khắp nơi trong cả nước đã ủng hộ nhiệt tình để Tuệ Tĩnh đường có thêm điều kiện để phục vụ bà con tốt hơn.

Hiện tại, Tuệ Tĩnh đường Phổ Tịnh có 2 phòng khám riêng biệt cho nam và cho nữ bệnh nhân với 8 giường điều trị bệnh. Ngoài việc tổ chức phòng khám, Ni sư TN. Hạnh Lý còn thực hiện nhiều hoạt động từ thiện thăm và tặng quà, trị bệnh tận nơi cho một số người khó khăn, trẻ em mồ côi, người già neo đơn… Đây là nghĩa cử cao đẹp lan toả y đức, hạnh nguyện của người con Phật.

Lễ Hội rước voi đầy màu sắc tại Sri Lanka

Dịp đầu năm thì nhiều lễ hội đã được tổ chức tại các quốc gia châu Á. Trong đó tại Sri Lanka, lễ hội rước voi truyền thống của TP.Colombo đã nhận sự quan tâm từ đông đảo người dân và du khách.

Là lễ hội truyền thống lâu đời, những chú voi tham gia đều được chư Tăng tại chùa Gangaramaya ban phước. Sau đó, các chú khoác lên mình những bộ trang phục rực rỡ, nhiều màu sắc, diễu hành qua các tuyến phố của Colombo. Trong âm thanh của tiếng trống cùng những màn biểu diễn uyển chuyển của các vũ công, đám rước đã nhận được sự thích thú từ các du khách may mắn có mặt tại Sri Lanka thời gian này.

Tại lễ hội, điểm nhấn lớn nhất chính là sự xuất hiện của Xá lợi Răng Đức Phật được rước trang trọng trên 1 chú voi phủ vải đỏ. Là quốc bảo quan trọng của Sri Lanka, chỉ số ít chú voi được quyền rước Xá lợi thiêng liêng của Đức Thế tôn. Sự kiện truyền thống thường niên của Sri Lanka mỗi dịp rằm tháng 2 này đón hàng chục nghìn người dân và du khách đến với TP. Colombo.

Campuchia: Hỗ trợ nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường

Quốc gia này là 1 trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Bởi thế, các tự viện đang bảo trợ nhiều sáng kiến xanh nhằm thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường đến toàn xã hội.

Thời gian qua, nhiều tự viện tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia tích cực giúp đỡ các mô hình tái chế rác thải nhựa để làm các vật dụng hàng ngày. Tại đây, song song với việc cho mượn địa điểm để gia công, chư tôn đức cũng giúp đỡ, giới thiệu sản phẩm đến quý Phật tử để lan tỏa hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Theo ước tính sơ bộ, chỉ tính riêng tại Phnom Penh đã có khoảng 38 nghìn tấn rác thải mỗi ngày, trong đó đồ nhựa chiếm khoảng 20%. Và phần lớn trong số này không được xử lý đúng cách, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Bởi thế, sự chung tay của Phật giáo rất cần thiết nhằm nâng cao ý thức người dân, hướng đến cuộc sống xanh trong cộng đồng.

Quyết tâm “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên toàn quốc

Đến năm 2030 sẽ xóa 100% nhà dột nát, nhà tạm cho người dân để góp phần giảm nghèo bền vững. Một mục tiêu lớn, khó khăn nhưng cũng đặc biệt nhân văn, ý nghĩa. “Xoá nhà tạm, nhà dột nát” – phong trào thi đua, cuộc vận động mang quy mô toàn quốc được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Chính phủ phát động. Mỗi ngôi nhà được trao đi là mỗi câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau; nhưng tất cả đều có điểm chung là được xây dựng nên từ sự yêu thương, sẻ chia, chung tay góp sức của cộng đồng.

Ngay trong tháng 1 năm 2024, tại Phiên họp lần thứ 7 của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu tiếp tục phát động, triển khai tích cực các phong trào thi đua; làm mới, làm sống động phong trào thi đã có và phát động các phong trào thi đua mới. Trong đó, chuẩn bị kỹ lưỡng để sớm phát động phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm nay.

Chăm lo cho người nghèo vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ, trong đó tập trung thực hiện tốt “3 an”, đó là an ninh, an sinh, an toàn, hướng đến mục tiêu cao nhất là vì hạnh phúc của nhân dân. Tại Hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đầu năm 2024,  Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Chính phủ phát động cuộc vận động phát huy truyền thống đoàn kết nhân ái của dân tộc, huy động mọi nguồn lực hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột

Với phương châm “đi đến từng nhà, rà từng người, xác định hoàn cảnh từng hộ” để xây dựng phương án hỗ trợ, MTTQ các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình chuẩn bị mặt bằng, tham gia đóng góp ngày công, nhân lực, vay thêm nguồn kinh phí với quyết tâm mỗi ngôi nhà hoàn thành có diện tích từ 40m2 trở lên và giá trị từ 70 triệu đồng trở lên. Đến nay, 100% số lượng căn nhà hoàn thành đã đáp ứng yêu cầu đề ra, đa số các ngôi nhà hoàn thành có giá trị trên 100 triệu đồng.

Việc tập trung mọi nguồn lực để xóa nhà tạm cho người nghèo, hộ gia đình neo đơn được xem là giải pháp căn cơ để giảm nghèo, tuy nhiên làm thế nào để đảm bảo chất lượng căn nhà, không bị ảnh hưởng bởi thiên tai là câu chuyện được Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc các tỉnh rất quan tâm

Tới đây Ủy ban TƯ MTTQ VN sẽ phối hợp với MTTQ các cấp và chính quyền, các Sở, ngành, tổ chức tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực để thực hiện hiệu quả Đề án. Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo là chủ trương nhân văn, đúng đắn kịp thời, tạo niềm tin, động lực để người dân vươn lên thoát nghèo. Mỗi căn nhà mới được hoàn thành đồng nghĩa với việc sẽ có một hộ nghèo có chỗ ở ổn định, không phải lo gánh nặng về nhà ở, người dân có thêm niềm tin, động lực, yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Sức lan tỏa của nghĩa tình

Phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” có động lực, sức mạnh rất lớn từ đề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên. Chỉ trong 9 tháng phát động và triển khai, địa phương này đã hoàn thành 100% mục tiêu xóa 5.000 căn nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo với số vốn cần huy động là 250 tỷ đồng. Sự thành công của một địa phương còn nhiều khó khăn như Điện Biên đã tạo niềm tin, sức lan tỏa rộng khắp trong xã hội. Trong dấu ấn điển hình ấy, không thể không nhắc đến sự đồng hành, tham gia mạnh mẽ của Phật giáo địa phương này.

Những ngày đầu xuân năm mới, gia đình bà Lò Thị Hoa, Bản Giàng Co Ké, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên rất hoan hỉ khi đón đoàn chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh ghé thăm và trao tặng ngôi nhà đại đoàn kết. Đây có lẽ là mùa xuân ý nghĩa đối với gia đình bà Hoa. Bao năm, phải sống trong cảnh nghèo khó, tài sản duy nhất của gia đình chỉ là ngôi nhà tạm bợ, rách nát, chẳng đủ che nắng, che mưa. Giờ đây, khi được sống trong nhà mới khang trang, rộng rãi, gia đình bà Hoa không giấu được niềm xúc động. Vậy là ước mơ tưởng chừng xa vời nay đã trở thành hiện thực nhờ những tấm lòng nhân ái.

Cũng như gia đình bà Hoa, bà Lường Thị Khánh, huyện Điện Biên cũng đón niềm vui trong ngôi nhà khang trang. Mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau nhưng điểm chung là điều kiện kinh tế khó khăn. Bằng nghĩa cử cao đẹp, các ngôi nhà mới được dựng lên từ những người con Phật là thêm một câu chuyện cổ tích giữa đời thường về tình người, tạo niềm tin, hy vọng cho các gia đình khó khăn về một mái nhà vững chắc. Đây không chỉ là sự giúp đỡ về vật chất mà còn là niềm động viên tinh thần, giúp các hộ nghèo tiếp tục vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

An cư rồi mới lạc nghiệp. Có căn nhà mới, những hộ nghèo ở tỉnh Điện Biên có thêm động lực để yên tâm làm ăn, xóa đói giảm nghèo. Sau gần 9 tháng triển khai thực hiện, đến nay, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành toàn bộ 5.000 ngôi nhà Đại đoàn kết theo Đề án 09 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Để được thành công đó, có sự đóng góp không nhỏ của BTS GHPGVN tỉnh nói riêng và Phật giáo cả nước nói chung.

Không chỉ ở tỉnh Điện Biên, tăng ni trên cả nước đã thực hiện nhiều chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” tại khắp các tỉnh thành miền núi. Như tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Nhiều người không khỏi xót xa khi chứng kiến cuộc sống của 2 cháu bé Giàng Mí Nô và Giàng Thị Mái. Cha mất sớm từ năm 2019, mẹ lặng lẽ bỏ đi để lại 2 anh em chật vật, nương tựa nhau sống qua ngày. Túp lều tạm bợ, xiêu vẹo, trống trước hở sau, thiếu thốn như chính hoàn cảnh 2 trẻ nhỏ đang phải gánh chịu. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng các em đã phải sống thiếu thốn cả về tình cảm, vật chất. Nhờ sự kết nối của BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang, chư tôn đức chùa Khai Nguyên, chùa Tản Viên, các CLB Phật tử đã xây dựng ngôi nhà tình thương ấm áp. Căn nhà mới được xây nên bằng tình n hân ái, sự sẻ chia nhằm thắp lên hy vọng, ước mơ về một tương lai tươi sáng.

Để giúp các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc có nhà ở ổn định, an toàn, chống chịu các tác động của thiên tai, BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang đã vận động, kết nối xây dựng hàng chục “Mái ấm tình thương”. Những ngôi nhà hình thành từ sự đùm bọc, yêu thương đã mang lại niềm vui, tiếp thêm động lực để bà con vượt qua khó khăn và giảm nghèo bền vững.

Có thể thấy rằng, chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên toàn quốc là việc làm cần thiết và cần huy động sức mạnh tổng hợp. Bởi xây dựng những ngôi nhà không chỉ từ gạch, đá, xi măng mà còn từ cả tấm lòng. Và chắc chắn trên chuyến hành trình mang ngôi nhà mới đến với đồng bào khó khăn tiếp tục có sự góp sức của chư Tăng ni, phật tử khắp mọi miền tổ quốc.

Điện Biên: Tăng chuyến bay sẵn sàng mùa Lễ hội Hoa Ban

Từ ngày 6-30/3, Hãng hàng không Vietnam Airlines sẽ tăng gấp đôi tần suất các chuyến bay đến Điện Biên nhằm phục vụ Năm Du lịch Quốc gia 2024, hướng đến kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024 có chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ-Trải nghiệm bất tận” gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2024). Có 169 chương trình, hoạt động hấp dẫn sẽ diễn ra suốt năm 2024, với điểm nhấn là Lễ hội hoa Ban chủ đề “Về miền Hoa Ban” khai mạc ngày 16/3. Ngoài ra, nhiều hoạt động, trải nghiệm thú vị được tổ chức như dâng hương đền thờ Liệt sĩ chiến trường Điện Biên; chiêm ngưỡng show thực cảnh huyền tích, lịch sử và văn hóa dân tộc Thái; trải nghiệm không gian văn hóa vùng cao; nghệ thuật Xòe Thái và khèn Mông…

Hà Nội: Khởi động tour đêm Đền Ngọc Sơn

Tại Hà Nội, tối qua, 28/2, tour đêm “Ngọc Sơn – đêm huyền bí” đã chính thức được mở để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Tour được chia làm 5 chủ đề gồm: Lễ ban chữ Thánh hiền – tại khu vực Tháp Bút; Nghi thức đón linh khí của trời đất – tại khu vực cầu Thê Húc và Đắc Nguyệt Lâu; Truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm diễn ra tại khu vực mặt hồ phía trước đình Trấn Ba; Nghi lễ cầu An diễn ra trong khu vực đền chính; tham quan phòng trưng bày tiêu bản rùa Hồ Gươm và vãn cảnh đền. Chương trình tổ chức tối thứ 4 và thứ 5 hàng tuần, thời lượng 60 phút.

Sức mạnh của sự tử tế

“Tích tiểu thành đại”, biến tiền lẻ thành sức mạnh phi thường, trong tháng 2 này, một dự án thiện nguyện đặc biệt đã cán mốc xây 500 công trình giáo dục tại các xã vùng cao khắp đất nước. Điều này đã đem lại niềm vui đến trường cho các em nhỏ và là niềm động viên tiếp sức cho các thầy cô giáo gieo chữ trồng người nơi những vùng đất khó.

Hơn 10 năm làm tình nguyện với nhiều dự án khác nhau, Hoàng Hoa Trung luôn miệt mài và tâm huyết vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em tại vùng cao.  Và Ánh sáng núi rừng – tiền thân của Sức mạnh 2000 đồng đã ra đời với mục tiêu giúp ai cũng có thể làm việc thiện. 

500 công trình giáo dục đã được xây dựng qua hơn 10 năm, sự lan tỏa của dự án ngày càng mạnh mẽ. Đây là điểm trường Kbang, dự án sức mạnh 2000 đã hỗ trợ trường 16 phòng ở nội trú, xây 5 ngôi nhà hạnh phúc, 1 cầu hạnh phúc và nuôi 150 em của 7 trường bán trú.

Mỗi 1 điểm trường được hình thành là niềm hạnh phúc của Hoàng Hoa Trung và nhóm dự án lại nhân lên. Nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng tất cả đều có chung 1 trái tim nhiệt huyết.

Và mùa xuân mới với nụ cười trên môi những em nhỏ vùng cao này khi được tiếp sức đến trường…là động lực, niềm vui để tiếp sức cho những thành viên của Dự án Sức mạnh 2000 tiếp tục cống hiến tuổi trẻ, lan tỏa những điều tốt đẹp tình nguyện vì cộng đồng.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 29.02.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

19 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2533 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1467 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3667 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2600 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4587 lượt xem 0 Bình luận