Bản tin Bchannel – An Viên 24H 29.04.2024

30/04/2024 10:09:56 2404 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 29.04.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Hà Nội: Đoàn PG Chiết Giang (Trung Quốc) thăm TƯGH; Tháo gỡ khó khăn trong cấp giấy chứng nhận quyền sự dụng đất cho Tự viện; Gặp lại “Ni cô Huyền Trang” trong tháng 4 lịch sử.

Hà Nội: Đoàn PG Chiết Giang (Trung Quốc) thăm TƯGH

Chiều ngày 28/04, Đoàn Phật giáo Chiết Giang (Trung Quốc) do Hòa thượng Thích Tính Quang – Phó Hội Trưởng Hiệp Hội Phật giáo tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm chư tôn giáo phẩm TƯGH tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Tại buổi gặp mặt, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Ủy viên Thường trực HĐCM, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS khẳng định, Phật giáo Việt Nam và Trung Quốc từ lâu đã có mối quan hệ bền chặt. Hy vọng, thời gian tới, Phật giáo hai nước sẽ tăng cường giao lưu, hợp tác hơn nữa.

Thay mặt đoàn, Hòa thượng Thích Tính Quang cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của TƯGH và những nơi đoàn đi qua. Theo đó, đoàn đã chiêm bái đảnh lễ các tổ đình Tông phái Tào động, hiểu thêm về lịch sử, mối quan hệ gắn bó lâu đời giữa Phật giáo hai quốc gia.

Dịp này, hai bên cũng trao đổi về kế hoạch, chương trình phối hợp về giáo dục, đào tạo, văn hóa PG. TT Thích Đức Thiện – PCT kiêm Tổng thư ký HĐTS, trưởng ban PGQT TƯGH đã trân trọng có lời mời Hòa thượng Thích Tính Quang tham dự đại lễ Vesak được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2025.

Đồng Nai: Bế mạc Đại giới đàn Đạt Thanh

Sau 5 ngày diễn ra trang nghiêm, thanh tịnh, hôm nay 29/4, Đại giới đàn Đạt Thanh năm 2024 do BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai đã khép lại viên mãn tại chùa Tỉnh Hội, thành phố Biên Hoà.

Thích Huệ Khai – Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Tổ chức Đại Giới đàn cùng chư tôn đức giới sư đã niêm hương đảnh lễ chư Phật và tiến hành nghi thức nghi thức tạ đàn, trao các phần thưởng khích lệ đến giới tử đạt điểm cao trong kỳ khảo hạch.

Đại Giới đàn Đạt Thanh năm 2024 có 1930 giới tử phát nguyện thọ giới. Đây là Đàn giới lần thứ 19 (tính từ năm 1982 đến nay) do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai tổ chức.

Đồng Tháp: Họp triển khai Phật sự trọng tâm

Chiều ngày 28/4, Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành phiên họp chuẩn bị cho các Phật sự quan trọng sắp tới. Phiên họp có sự tham dự đầy đủ của các Ban, ngành cùng đại diện BTS các huyện, thành phố trực thuộc. 

Tại phiên họp, chư Tôn đức đã nghe báo cáo Phật sự tháng 3 năm Giáp Thìn của BTS tỉnh và các huyện, thành phố; thảo luận và Triển khai kế hoạch tổ chức Đại lễ Phật Đản, khoá An cư kiết hạ PL 2568 và tổ chức khoá tu mùa hè cho thanh thiếu niên năm 2024.

Theo đó, Đại lễ Phật Đản năm nay ở các huyện, thành phố tổ chức từ ngày 8-13/4 âm lịch; Lễ đài BTS GHPGVN tỉnh đặt tại văn phòng BTS tỉnh và diễn ra vào ngày 14, 15/4 âm lịch.

CỤM TIN

Ghi nhận tại TPHCM, Long An và Phú Yên.

Tại tịnh xá Ngọc Phương (Q.Gò Vấp, TP.HCM), Ni giới hệ phái Khất sĩ đã trang nghiêm tưởng niệm 37 năm ngày viên tịch của Ni trưởng Huỳnh Liên, Đệ nhất Trưởng Ni giới hệ phái Khất sĩ. Tại buổi lễ chư tôn đức dâng hương và tụng thời kinh ngắn tưởng nhớ công lao to lớn của Ni trưởng Huỳnh Liên với sự phát triển của ni giới hệ phái. Ni trưởng có thế danh Nguyễn Thị Trừ, sinh năm 1923 tại tỉnh Mỹ Tho (nay tỉnh Tiền Giang), có công thành lập hàng trăm tịnh xá, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tích cực hưởng ứng các phong trào đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Còn tại tỉnh Long An, cơ sở bảo trợ xã hội An Dưỡng Viện Tường Nguyên Thiền Uyển đã được thành lập tại huyện Cần Đước do ĐĐ.Thích Minh Phú, UV HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN TP.HCM làm Giám đốc. Đây là nơi an dưỡng cho chư tôn đức Tăng Ni cao niên; chư vị Phật tử có nhiều cống hiến cho Phật giáo, nuôi dưỡng các cụ già neo đơn, các em nhỏ bị mẹ bỏ rơi; các thành viên của cộng đồng LGBT trên 60 tuổi. Trong giai đoạn 1, An Dưỡng Viện sẽ tiếp nhận khoảng 50 vị bao gồm 40 người cao tuổi và 10 trẻ em (sơ sinh). Dự kiến từ 3 đến 5 năm sau, An Dưỡng Viện có thể chăm sóc, nuôi dưỡng khoảng 400 trẻ em và người cao tuổi.

Ngày 28/4, Phân ban Phật tử dân tộc TƯGH Phối hợp với Phân ban PTDT tỉnh Phú Yên & BTS GHPGVN huyện Sông Hinh khởi công xây dựng 2 căn nhà đại đoàn kết cho gia đình đồng bào Ba Na và Ê Đê tại xã Ea Bá, Huyện sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Tổng kinh phí xây dựng 160 triệu đồng, do chùa Thanh Lương, tỉnh Phú Yên hỗ trợ với mong muốn giúp người dân ổn định cuộc sống.

Ý nghĩa đêm Tuần chiểu tại Đại Giới đàn

 Trong các hoạt động của Phật giáo có rất nhiều nghi thức mà không phải ai cũng có thể hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng. Một trong số đó là nghi thức Tuần chiểu. Nét đẹp của sinh hoạt này như thế nào, kính mời quý vị cùng cảm nhận qua ghi nhận tại Đại Giới đàn Đạt Thanh, tỉnh Đồng Nai.

Đây là một buổi tối Tuần chiểu tại Giới trường Tăng ở chùa Tỉnh Hội, thành phố Biên Hoà… Trước khi xuất phát, các giới tử trang nghiêm tập trung, trên tay mỗi vị là một ngọn đuốc được thắp lên sáng rực. Các giới tử xếp thành hàng đôi, niệm Phật đồng thời xuất phát di chuyển ra khuôn viên bên ngoài chùa, kinh hành trong chánh niệm, rồi trở về.

“Tuần Chiểu” là nghi thức mang dấu ấn nhân văn của văn hóa Phật Giáo được hành trì trong Tuyển Phật Trường. Nghi thức này tạo thành nét đặc trưng tiêu biểu cho Nghi Quỹ Đại Giới Đàn Phật Giáo Bắc Truyền.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, tác động tới đời sống tu tập của các giới tử, chính vì thế mà những sinh hoạt truyền thống này lại càng có ý nghĩa, giúp các giới tử tạm rời xa những phương tiện như điện thoại, truyền hình v.v. để chuyên tâm cho việc tu học.

Là một trong những nghi thức nhằm nhắc nhở giới tử quan sát những việc còn phóng túng, Tuần chiểu giúp giới tử sinh hoạt đúng thanh quy. Qua đó, cảnh tỉnh và sách tấn giới tử nỗ lực tu tập và thanh lọc thân tâm.

Tháo gỡ khó khăn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tự viện

Thời gian qua, nhiều địa phương đã tích cực đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn cần sự chủ động hơn nữa của các tự viện đặc biệt là trong việc thành lập Ban quản trị. Chuyên mục Tiêu điểm của Bản tin An Viên 24h hôm nay kính mời quý vị cùng tìm hiểu thực tế tại một số địa phương cũng như kế hoạch để tháo gỡ khó khăn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tự viện.

Tỉnh Bắc Ninh hiện có 617 cơ sở tự viện; trong đó khoảng hơn 200 chùa chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôn giáo. Thực hiện Luật đất đai cũng như hướng dẫn của UBND, các cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Ninh; năm 2023, BTS GHPGVN tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản gửi đến các huyện thị nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để các tự viện hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôn giáo. Đến thời điểm hiện tại, trong quý I năm 2024, có thêm 17 cơ sở tự viện được cấp.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn vướng mắc như nhiều Tăng Ni nghĩ rằng đó là đất chùa, được tạo điều kiện hỗ trợ thì làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôn giáo; còn không thì cũng không kiến nghị. Hay là từ phía chính quyền địa phương, trước đây đất các cơ sở tôn giáo bị lấn chiếm; hiện tại cấp giấy chứng nhận cần các hộ xung quanh ký thì các hộ chưa hoàn toàn ký để thống nhất đó là đất tôn giáo hay không. 

Cũng liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôn giáo, Phật giáo tỉnh Bắc Ninh đang thúc đẩy việc thành lập Ban Quản trị tự viện – cấp hành chính thứ 4 của Giáo hội để phù hợp với Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ VII, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Luật Đất đai 2024 sắp được thi hành.

Còn với Đắk Nông, trong 2 năm qua, phần lớn các huyện, thị, thành đều vướng quy hoạch khai thác bô xít. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc xin cấp đất tôn giáo cũng như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhiều tự viện trên địa bàn. Thậm chí, Phật giáo tỉnh đã thành lập 2 chùa mới nhưng chưa thể kiện toàn các thủ tục xin cấp đất.

Câu chuyện của Bắc Ninh và Đắk Nông đã phần nào nêu lên những tồn tại trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tự viện trên cả nước. Theo quy định của Luật Đất đai 2013, các cơ sở tôn giáo được Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải đáp ứng các tiêu chí như: được Nhà nước cho phép hoạt động; Không có tranh chấp; Không phải đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho sau ngày 1/7/2004 (bảng text 1). Cùng với đó, phải chứng minh nguồn gốc, quá trình sử dụng đất ổn định, lâu năm. Tuy nhiên, không phải tự viện nào cũng hoàn thiện được những thủ tục trên.

Hiện để tháo gỡ khó khăn cho các tự viện, Giáo hội các cấp ngoài việc tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý đang tích cực, hướng dẫn, phổ biến Luật Đất đai 2024, một văn bản sẽ giải phóng nhiều nút thắt về quản lý đất tôn giáo nói chung cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong việc xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tự viện.

Một trong những nội dung quan trọng nhất trong việc triển khai Luật Đất đai 2024 là Phật giáo các địa phương phải sớm kiện toàn, thành lập Ban Quản trị tự viện. Bởi đơn vị này với tư cách là tổ chức tôn giáo trực thuộc sẽ có quyền xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo điều chỉnh về pháp nhân sử dụng đất của Luật Đất đai 2024.

Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 30.000 cơ sở tôn giáo – tín ngưỡng. Trong đó, có hơn 70% đơn vị đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này thể hiện sự tích cực, tạo điều kiện của chính quyền các cấp cũng như sự chủ động của GHPGVN. Dẫu vậy, để đẩy mạnh công tác này, Phật giáo các địa phương phải sớm thành lập, kiện toàn Ban Quản trị tự viện, tiến tới hoàn thành việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chùa trên cả nước. Một công tác có thể bước đầu khó khăn nhưng sẽ giúp việc quản trị, điều hành Phật sự của chư tôn đức Tăng, Ni được thuận lợi hơn.

CỤM TIN VĂN HÓA

Cuối tuần qua, UBND thị xã Sa Pa đã khai mạc Lễ hội mùa Hè Sa Pa năm 2024 với chủ đề “ Sa Pa – Xứ sở tình yêu”.

Lễ hội gồm 10 sự kiện văn hóa – du lịch lớn như Gala gặp mặt và giao lưu văn hóa quốc tế, Lễ hội hoa “Triệu đóa hồng tình yêu Fansipan”, Lễ hội đường Phố “Sa Pa – Xứ sở tình yêu” với màn diễu hành 10 xe kết hoa các biểu tượng tình yêu và các cặp đôi cô dâu chú rể trong trang phục cưới của các dân tộc, kết hợp với trình diễn lễ hội đường phố với sự tham gia của gần 550 diễn viên, nghệ nhân của các dân tộc.

Trong khi đó, tỉnh Tuyên Quang cũng khai mạc năm du lịch với nhiều hoạt động hấp dẫn, điểm nhấn là Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế kết hợp trình diễn các ban nhạc Disc Jockey vào các ngày 28, 29, 30.4. Ngoài ra còn có trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề Tuyên Quang năm 2024; ra mắt sản phẩm du lịch đặc trưng. Năm 2024, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu thu hút hơn 2,7 triệu lượt khách du lịch, tổng thu đạt 3.600 tỉ đồng.

Ngày 28/4, UBND xã Hưng Long, huyện Ninh Giang (Hải Dương) khai mạc Lễ hội truyền thống chùa Trông năm 2024, tưởng niệm Thiền sư Nguyễn Minh Không. Lễ hội diễn ra từ 23/4 – 8/5 (nhằm 15/3-1/4 âm lịch) bao gồm rước nước, xuất Đông – nhập Tây và lễ tế Thánh về trời. Ngoài ra, còn có nhiều trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt vịt, bắt chạch trong chum, kéo co, bóng đá… tạo nên không khí đoàn kết cộng đồng.

Những người không có ngày nghỉ lễ

Chúng ta vừa chính thức bước vào 1 trong những kỳ nghỉ lễ kéo dài nhất trong năm. 5 ngày nghỉ lễ giúp nhiều gia đình lên kế hoạch về quê, đi du lịch hay nghỉ ngơi giải trí. Thế nhưng, do tính chất và do cuộc sống mưu sinh nên vẫn có nhiều người không có ngày nghỉ lễ mà vẫn miệt mài, cần mẫn với công việc của mình. 

Ai cũng háo hức với những dự định về quê, hay giải trí trong kỳ nghỉ…

Thế nhưng, không phải ai cũng được nghỉ ngơi và cùng gia đình sum họp, đi chơi, đi du lịch như thế. Vẫn có những người đang âm thầm, miệt mài với công việc không quản mưa nắng, bất lễ ngày đêm….

Và còn rất nhiều hoàn cảnh khác vẫn đang diễn ra thầm lặng bởi đặc thù công việc không thể đình trệ. Ca kíp bận rộn, công việc chuyên môn vẫn diễn ra bình thường, ai ai cũng nỗ lực hoàn thành công việc với tinh thần “Lao động là vinh quang”

Gác lại những niềm riêng, mỗi người lao động đều đang cố gắng không chỉ vì cuộc sống mưu sinh mà còn vì trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Mỗi góc phố yên bình, mỗi gia đình quây quần sum họp… đó chính là niềm vui, tiếp thêm động lực cho họ trong công việc vất vả nhưng đầy ý nghĩa./.

Gặp lại “Ni cô Huyền Trang” trong tháng 4 lịch sử

Thời điểm này cả nước đang sống trong bầu không khí sôi động của tháng tư hào hùng, kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Và đó là thành quả được tạo nên bởi sự hy sinh của vô số con người vĩ đại. Trong phần tiếp theo của bản tin, xin gửi tới quý vị câu chuyện về nữ biệt động với bí danh Chín Tô, nguyên mẫu nhân vật ni cô Huyền Trang trong Bộ phim “Biệt động Sài Gòn”.

Đã 49 năm nhân dân ta sống trong hòa bình. Những thế hệ sau chiến tranh khó hình dung cuộc chiến nếu như không có được những thước phim điện ảnh kinh điển về chiến tranh Việt Nam. Và khó hiểu hết được lòng quả cảm của những trái tim yêu nước.

Ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông – chùa Thất Bửu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang có tên thật là Phạm Thị Bạch Liên. Tuy nhiên, cái tên Bạch Liên dường như chỉ còn trong tiềm thức, bởi người đời luôn gọi là “ni cô Huyền Trang”. Ở cái tuổi trên 93, “ni cô Huyền Trang” có cái nhớ, cái quên, nhưng ký ức cuộc đời luôn đọng lại mỗi khi có ai đó viếng thăm. Thời oanh liệt năm xưa như đã hiện về, có những trận đánh mà “ni cô Huyền Trang” không thể nào quên.

Đôi khi những chiến công phải đổi lại bằng sự hy sinh, mất mát; những lần -bị địch bắt, tra tấn dã man, nhưng vẫn một lòng một dạ sắc son, giữ tròn khí tiết.

Với những công lao trong kháng chiến, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3, huân chương kháng chiến hạng Nhất và ghi vào lịch sử truyền thống cách mạng Việt Nam. Năm 2021 ni trưởng vinh dự nhận danh hiệu “Hiền tài nước Việt” do Viện nghiên cứu Nhân tài, Nhân lực Việt Nam trao tặng vì sự cống hiến và hy sinh to lớn cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

 “Ni cô Huyền Trang” đã đi trọn con đường song hành đạo  – đời với 2 vật kỉ -niệm. Đó là chiếc áo nhà tu của hơn 74 năm trước đến giờ luôn giữ bên mình. Và đó là chiếc xe Honda Dame nguyên mẫu mà ngày xưa ni trưởng từng rong ruổi khắp Sài Gòn chở đội quân biệt động đi đánh Tòa đại sứ, Dinh Độc lập, Đài Phát thanh… do Bí thư Thành ủy lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Linh tặng sau giải phóng.

Ở tuổi 93, bên tiếng chuông, hàng ngày ni trưởng phát tâm cầu siêu cho những anh hùng liệt sĩ và đồng đội đã hy sinh vì chính nghĩa. Giờ đã 49 năm sau giải phóng, ni trưởng vẫn đau đáu ước nguyện về thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

Độc đáo ngôi chùa quê vùng ven biển Ninh Thuận

Hình ảnh ngôi chùa làng quê cổ kính, đơn sơ và gắn liền với nhiều thế hệ, đã in sâu trong tâm thức của mỗi người dân nước Việt.

Chùa Bửu Liên, tọa lạc tại xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Chùa được xây dựng khoảng năm 1952, với kiến trúc hoa văn độc đáo, mang đậm nét xưa cổ kính, đặc trưng miền quê Ninh Thuận. Ngoài ra, ngôi chùa lưu giữ nhiều di sản văn hoá, lịch sử quý báu của dân tộc Việt Nam, từ những bức tượng Phật cổ kính đến cổ vật, tư liệu lịch sử, giúp cho bà con, nhân dân hiểu rõ truyền thống tâm linh và văn hóa của địa phương.

Không chỉ là nơi thờ Phật, chùa Bửu Liên còn được biết đến là điểm đến tâm linh quan trọng, thu hút đông đảo phật tử từ khắp nơi tìm đến để cầu mong phước lành và an lạc. Bên cạnh đó, chùa thường xuyên tổ chức khóa tu, hướng dẫn bà con tu tập hay những lễ hội truyền thống, góp phần tô bồ điều thiện lành trong cộng đồng.

Mỗi một ngôi làng, một vùng quê đều có những đặc trưng riêng biệt để lại dấu ấn trong lòng mỗi người. Hoà cùng nét đặc biệt đó, không gian thanh bình và sự linh thiêng trong từng góc nhỏ của chùa Bửu Liên, giúp mỗi người khi đến đây cảm nhận được sự khoan thai, nhẹ nhàng, sự an yên qua lời kinh, tiếng kệ.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 29.04.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

1 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 17.05.2024

Bản tin 24h 18/05/2024 11:28:40

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 17.05.2024

Bản tin 24h 18-05-2024 11:28:40

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 17.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Khuyến cáo người dân thực hành tín ngưỡng đúng pháp luật; TPHCM: Trang nghiêm tác pháp An cư tại Học viện Phật giáo; Đại lễ kỷ niệm 190 năm thành lập ngôi chùa Việt trên đất Thái.
2362 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 16.05.2024

Bản tin 24h 17/05/2024 09:50:40

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 16.05.2024

Bản tin 24h 17-05-2024 09:50:40

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 16.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Các cơ quan, ban ngành TƯ chúc mừng TƯGH nhân mùa Phật Đản PL.2578; Hân hoan đón mừng Phật Đản bên sông Cà Ty; Nhớ mùa Phật Đản năm xưa.
2427 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.05.2024

Bản tin 24h 16/05/2024 09:25:56

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.05.2024

Bản tin 24h 16-05-2024 09:25:56

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lãnh đạo TP.HCM thăm, chúc mừng Đại lễ Phật đản; Hòa hợp, gắn kết Phật giáo Việt Nam và Myanmar; Trang nghiêm tắm Phật dọc mảnh đất hình chữ S.
4748 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 14.05.2024

Bản tin 24h 15/05/2024 09:15:11

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 14.05.2024

Bản tin 24h 15-05-2024 09:15:11

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 14.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Các phái đoàn chúc mừng Phật đản PL. 2568; Phật đản - Mùa của yêu thương và hiểu biết; Sắc màu kiệu hoa rước Phật.
13361 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 07.05.2024

Bản tin 24h 08/05/2024 09:00:32

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 07.05.2024

Bản tin 24h 08-05-2024 09:00:32

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 07.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Điện Biên: Nhiều phái đoàn chúc mừng kỷ niệm 10 năm BTS GHPGVN tỉnh; Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Phật giáo; Hà Nội: Trang nghiêm tưởng niệm cố Trưởng lão Hoà thượng Kim Cương Tử.
1472 lượt xem 0 Bình luận