Bản tin Bchannel – An Viên 24H 29.12.2023
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 29.12.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Hà Nội: Đại lễ Cầu siêu các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2023; Bồi đắp tình yêu thư pháp; Lâm Đồng giao lưu văn hoá với vùng Ladakh – Ấn Độ.
Hà Nội: Đại Lễ Cầu siêu các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2023
Ngày 29/12, Trung ương Giáo hội phối hợp cùng Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2023 tại chùa Long Hưng, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Tại buổi lễ, chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, chư Tăng Ni, phật tử cùng quý đại biểu đã thành kính dâng hương tưởng niệm, cầu nguyện chơn linh các nạn nhân siêu thoát về cõi an lành.
Theo Uỷ ban ATGT Quốc gia, mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 20 người bước ra khỏi nhà và không bao giờ quay trở về, cùng với đó là hàng chục gia đình tan nát vì tai nạn giao thông (TNGT), hàng trăm người đau xé lòng vì mất đi người thân yêu.
Với tinh thần “Tưởng nhớ người đi – Vì người ở lại”, Đại lễ cầu siêu là nghĩa cử nhân văn sâu sắc, nhằm tưởng nhớ những đồng bào không may qua đời vì tai nạn giao thông. Qua đó, gửi đến toàn xã hội lời cảnh báo về những mất mát, thiệt hại to lớn mà từng gia đình, cộng đồng và xã hội phải gánh chịu. Đây cũng là dịp nhắc nhở người dân, phật tử tự trân quý bản thân, chia sẻ những mất mát của các nạn nhân và gia đình, chung tay với cộng đồng hướng đến mục tiêu an toàn giao thông.
CỤM TIN PHẬT SỰ
Bắc Ninh: Hội nghị Tổng kết công tác Phật sự năm 2023
Sáng nay ngày 29/12, tại chùa Đại Thành, BTS GHPGVN tỉnh Bắc Ninh tổng kết công tác Phật sự năm 2023 dưới sự chứng minh có Trưởng lão HT.Thích Thanh Dũng – Phó Pháp chủ, Chánh thư ký HĐCM. Trong năm qua, hệ thống tổ chức của BTS tỉnh được kiện toàn; chư Tăng Ni luôn tích cực trong Phật sự, huy động hơn 6 tỷ đồng cho TTXH, duy tri trường TCPH tỉnh Bắc Ninh với 50 Tăng Ni sinh theo học. Dịp này, chư tôn đức cũng thảo luận các Phật sự trọng tâm sắp tới như: tổ chức giới đàn, nâng cao giữ gì các hiện vật Phật giáo là bảo vật quốc gia.
Trước đó, chiều ngày 28/12, BTS GHPGVN tỉnh Thái Nguyên đã họp phiên thường kỳ, nghe các ban chuyên môn báo cáo Phật sự năm 2023; thảo luận về kế hoạch tổ chức các chương trình trọng điểm dịp Xuân Giáp Thìn 2024; hoạt động từ thiện nhân đạo, bao gồm chương trình “Xuân mới an vui đến mọi nhà” và “Phiên chợ 0 đồng” tại các huyện/ thị/ thành trên toàn tỉnh.
Hậu Giang: BTS GHPGVN TX. Long Mỹ tổng kết Phật sự năm 2023
Cùng thời gian này tại tỉnh Hậu Giang, BTS GHPGVN thị xã Long Mỹ cũng tổng kết công tác Phật sự năm 2023 và cho biết nhiều lễ hội Phật giáo: Đại lễ Phật đản, An cư kiết hạ, Lễ Vu lan Báo hiếu… được tổ chức trang nghiêm; Chư Tăng Ni, Phật tử tích cực đóng góp cho công tác Từ thiện xã hội và Phật sự quan trọng. Dịp này, các cá nhân đã hoàn thành xuất sắc các công tác Phật sự năm 2023 nhận bằng Tuyên dương công đức.
Bình Dương: Phật giáo TP. Thuận An ký kết bảo đảm ATGT
Trong khi đó, Ban Trị sự GHPGVN TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Công an thành phố ký kết phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia bảo đảm ATGT giai đoạn 2023-2026. Kế hoạch phối hợp nhằm phát huy ưu thế của Phật giáo trong truyền thông thay đổi hành vi, lồng ghép các thông điệp về ATGT, kỹ năng tham gia giao thông an toàn qua các bài thuyết pháp đến chư Tăng Ni, Phật tử và cộng đồng xã hội.
TP.HCM: 1085 Tăng Ni, Học Viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo từ Học viện Phật giáo
Ngày 29/12, tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM trang trọng tổ chức lễ Tốt nghiệp năm 2023 cho Tăng Ni sinh, cư sĩ học viên các chương trình và hệ đào tạo. Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ GHPGVN, Viện trưởng Học viện chứng minh buổi lễ.
Trong không khí vui tươi và hoan hỷ, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng cùng chư Tôn đức Hội đồng điều hành lần lượt trao bằng tốt nghiệp đến 1085 Tăng Ni sinh, cư sĩ học viên khóa học 2022 – 2023. Trong đó, có 1 Tiến sĩ Phật học, 44 Thạc sĩ Phật học; 784 Cử nhân Phật học hệ chính quy; 237 học viên tốt nghiệp hệ Đào tạo từ xa, và 19 Tăng Ni tốt nghiệp hệ Cao đẳng Phật học Liên thông thuộc Trường TCPH tỉnh Tiền Giang.
Ban lời đạo từ, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng gửi lời chúc mừng đến toàn thể các vị Tân Thạc sĩ, Tân Cử nhân và chia sẻ niềm vui khi nhìn thấy sự trưởng thành của các Tăng Ni sinh, học viên qua từng ngày. Đồng thời, sách tấn toàn thể tân Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân không ngừng trau dồi Giới – Định – Tuệ, góp phần xây dựng GHPGVN ngày một phát triển.
Đại diện Tăng Ni, phật tử tốt tri ân đến Đại lão Hòa thượng Viện trưởng cùng chư Tôn đức Hội đồng Điều hành, giáo thọ sư, giảng viên tại Học viện đã tạo điều kiện để tu học, thực tập, trải nghiệm và nguyện tinh tấn phụng sự đạo pháp, dân tộc.
CỤM TIN VÍA A DI ĐÀ
Kon Tum
Trong 2 ngày 28-29/12, tại chùa Huệ Chiếu, BTS GHPGVN tỉnh Kon Tum đã tổ chức lễ vía Đức Phật A Di Đà. Chư tôn đức thuyết giảng ý nghĩa, nhắc nhở Phật tử về công hạnh thù thắng và 48 Đại nguyện của Đức Phật A Di Đà. Sau đó là nghi thức tụng kinh, niệm Phật, kinh hành trì tụng hồng danh đức Phật A Di Đà, tạo năng lượng thương yêu, sự hiểu biết làm lợi lạc tự thân và nhân loại; đồng thời, dựng xây thế giới an bình, thịnh vượng.
Hải Phòng
Tại TP. Hải Phòng, sáng hôm nay ngày 29/12, BTS GHPGVN TP long trọng tổ chức lễ vía Đức Phật A Di Đà. Tại đây, Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS chia sẻ về công hạnh của Đức Phật A Di Đà, cũng như ý nghĩa của pháp môn niệm Phật “Nam-mô A Di Đà Phật”, cùng chư tôn đức và quý Phật tử thành kính dâng hương, hoa đăng từ bi và trí tuệ cúng dường lên Đức Từ phụ, cầu nguyện âm siêu, dương thái; thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.
Tiền Giang
Trong khi đó, BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang kết hợp Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh trang nghiêm tổ chức lễ Hoa đăng kỷ niệm ngày Vía đức Phật A Di Đà tại Công viên Di Đà (chùa Vĩnh Tràng, TP. Mỹ Tho). Tại đây, chư Tôn đức cùng quý Phật tử tuyên đọc 48 lời phát nguyện, Đảnh lễ 12 tôn hiệu và nhất tâm trì niệm hồng danh “A Di Đà Phật”, gửi lời chúc nguyện mọi người trên hành tinh này luôn được an lạc.
CỤM TIN TỪ THIỆN
Đắk Lắk: Phân ban Phật tử Dân tộc T.Ư bàn giao nhà đại đoàn kết
Ngày 28/12, tại huyện Cư M’gar, Đắk Lắk, Phân ban Phật tử Dân tộc Trung ương kết hợp cùng Phân ban Phật tử Dân tộc huyện, chùa Hoa Nghiêm và các ban ngành bàn giao 2 căn nhà Đại Đoàn kết cho bà Nguyễn Thị Phước và gia đình bà Chiếng A Cầu Múi. Kinh phí xây dựng mỗi căn là 150 triệu, giúp các gia đình đảm bảo ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
TT-Huế: BTS GHPGVN tỉnh tặng quà tại TT Bảo trợ Xã hội
Tại TT-Huế, đoàn BTS và Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh đã thăm và tặng quà đến các học viên Đang cai nghiện tại Trung tâm bảo trợ xã hội. Trung tâm hiện có 51 học viên, phần lớn có quá trình cai nghiện tốt, song hành với việc tham gia lao động trị liệu, phục hồi sức khỏe.
Bồi đắp tình yêu thư pháp
Thư pháp là một môn nghệ thuật văn hoá truyền thống của dân tộc. Ở đây, mọi người không chỉ được tìm hiểu nét đẹp con chữ mà còn gửi gắm nét đẹp tâm hồn, là nơi thể hiện dấu ấn bản thân. Do đó, dù xã hội có phát triển đến đâu thì thư pháp vẫn có 1 vị trí quan trọng trong văn hoá Việt. Và hiện tại, bộ môn nghệ thuật này được giữ gìn và bảo tồn tại không ít tự viện. Trong chuyên mục tiếp theo, kính mời quý vị đến thăm lớp học thư pháp miễn phí tại chùa Hải Vân, TP.Vũng Tàu, tỉnh BR-VT – nơi góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê bộ môn nghệ thuật này.
Gần 1 tháng nay, cứ vào mỗi buổi tối thứ 7 hàng tuần, rất nhiều các bạn trẻ đam mê thư pháp đã tìm đến chùa Hải Vân, phường 1, TP.Vũng Tàu để học chữ, học đạo và thiền định.
Đây là lớp học do sư cô TN Huệ Trí, trụ trì chùa Hải Vân – TP. Vũng Tàu mở dạy, với mong muốn tạo thêm không gian cho người yêu nghệ thuật thư pháp, để tất cả cùng học, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về bộ môn này với nhau.
Không phân biệt độ tuổi, nghề nghiệp…. mỗi người đến đây đều muốn tĩnh tâm, tạm rời xa lo toan, bộn bề của cuộc sống… Đến với thư pháp, ngoài đam mê thì mỗi người còn phải có tâm thiện, cùng tinh thần nhẫn nại cao…và thông qua mỗi nét chữ, cái thiện ấy sẽ lan tỏa đến mọi người xung quanh.
Lớp học thư pháp của chùa Hải Vân không chỉ góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê, mà còn giúp tâm hồn và cuộc sống mỗi người thêm lắng đọng, thêm sâu sắc để nhận ra những giá trị chân- thiện- mỹ của cuộc sống.
Dấu ấn Việt Nam 2023
Năm 2023 sắp khép lại và trong quãng thời gian vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu từ ngoại giao, văn hóa cho đến thể thao. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của đất nước cũng như chất lượng sống của người dân. Những thành tựu này hứa hẹn giúp nước ta bước sang năm mới 2024 với nhiều phát triển. Trong mục Tiêu điểm ngày hôm nay, kính mời quý vị cùng điểm lại những dấu ấn đáng nhớ của Việt Nam trong thời gian qua.
Ngoại giao nâng tầm vị thế đất nước
Năm 2023 là quãng thời gian rất nhộn nhịp của các hoạt động ngoại giao với nhiều chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của lãnh đạo nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Campuchia, Lào hay Belarus. Cùng với đó, là những chuyến công du của lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã tạo nên những dấu ấn đối ngoại của Việt Nam. Đó là tiền đề để đất nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc. Như vậy, tính đến nay, nước ta là đã xác lập Đối tác chiến lược toàn diện với 6 quốc gia gồm: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới có mức quan hệ ngoại giao cao nhất với Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ. Qua đó, nâng tầm vị thế và tiếng nói của đất nước trên trường quốc tế.
Song song với việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia, trong năm 2023, Việt Nam cũng tích cực thể hiện vai trò, trách nhiệm giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu; gìn giữ hòa bình; cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ; tham gia đóng góp nhiều sáng kiến tại các diễn đàn, tổ chức đa phương ở khu vực và quốc tế.
Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa sâu rộng, đối ngoại nhân dân được coi là nhiệm vụ quan trọng, là 1 trong 3 trụ cột của chính sách đối ngoại, tạo lập môi trường hòa bình, nâng cao uy tín của Việt Nam, tăng cường hữu nghị giữa nhân dân thế giới. Với trọng trách chung ấy, trong năm 2023, Phật giáo Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng, không ngừng xây dựng quan hệ tốt đẹp với nhân dân các nước, tích cực tham gia tất cả các sự kiện, hội nghị Phật giáo đa phương, nâng tầm vị hình ảnh của đất nước và Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế.
Vị thế của Phật giáo Việt Nam không ngừng được nâng cao, khi trong năm qua đã liên tục đăng cai các sự kiện Phật giáo đặc biệt như Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì Hòa bình, hay mới đây nhất là Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo Phật giáo 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Những kết quả đạt được trong năm 2023 chính là tiền đề, nền tảng vững chắc để GHPGVN tiếp tục phát huy công tác ngoại giao nhân dân trong năm 2024. Nhiều kỳ vọng đã được Chư tôn đức đề ra, nhằm phát huy vai trò kết nối quan trọng với cộng đồng Phật giáo thế giới.
Vào cuối tháng 12/2023, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam” đã được tổ chức. Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính, Hội nghị đã đánh giá công nghiệp văn hóa là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế đất nước. Trong giai đoạn năm 2018 – 2022, giá trị sản xuất ngành công nghiệp văn hóa ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 44 tỷ USD.
Từ Hội nghị toàn quốc, các Bộ Ban ngành đã tổng kết, đánh giá những mặt được và chưa được của 12 lĩnh vực sáng tạo. Qua đó, có những điều chỉnh kịp thời về cơ chế, chính sách, giúp các ngành Công nghiệp Văn hóa chuyển mình, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nền kinh tế trong tương lai.
Nâng tầm vị thế tại Unesco
Việt Nam gia nhập UNESCO từ năm 1976, ngay sau khi thống nhất đất nước. Trải qua 47 năm hợp tác, Việt Nam luôn được các lãnh đạo UNESCO đánh giá là thành viên năng động, trách nhiệm. Tháng 11/2023, trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 42 Đại hội đồng, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này thể hiện sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu, đặc biệt là đóng góp tích cực đối với hoạt động của UNESCO.
Lãnh đạo UNESCO đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với Tổ chức UNESCO, cảm ơn Việt Nam khi đã triển khai thực hiện các hoạt động trên các lĩnh vực của UNESCO, mong Việt Nam sẽ ứng cử thành công trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027. Lãnh đạo và Ban thư ký UNESCO khẳng định tiếp tục đồng thành, hỗ trợ tư vấn và ủng hộ các hồ sơ di sản mới của Việt Nam thời gian tới.
Du lịch Việt Nam đạt nhiều giải thưởng lớn
Năm 2023, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế, nhưng con số này đã sớm hoàn thành trong 9 tháng đầu năm. Tạm ước tính đến hết tháng 11, cả nước đã đón hơn 11,2 triệu lượt khách quốc tế, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước và bằng 68,9% so với năm 2019. Đáng chú ý, tại Lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards lần thứ 30 năm 2023, Việt Nam được gọi tên ở 45 hạng mục giải thưởng. Trong đó nổi bật là danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á”. Đây là lần thứ 5 nước ta nhận giải thưởng này, thể hiện sự nổi bật trên bản đồ du lịch châu lục và thế giới.
Tại Đại hội thể thao Đông Nam Á – SEA Games 32 diễn ra trên đất Campuchia, đoàn Thể thao Việt Nam đã có 136 Huy chương Vàng, 105 Huy chương Bạc và 114 Huy chương Đồng, xuất sắc giành ngôi nhất toàn đoàn. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam đứng đầu bảng tổng sắp huy chương ở một kỳ SEA Games tổ chức ở nước ngoài sau 2 lần về nhất toàn đoàn trên sân nhà vào các năm 2003 và 2022.
Năm 2023 đã cho thấy sự phát triển đồng bộ về cả ngoại giao, văn hóa, du lịch, đối ngoại nhân dân. Những thành tựu trên mở ra nhiều triển vọng cho năm 2024. Và dù còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước nhưng chắc chắn, với sự linh hoạt, sáng tạo và chủ động trong điều hành chính sách vĩ mô, Việt Nam sẽ còn gặt hái nhiều thành tựu, hướng đến sự thịnh vượng, phồn vinh, bền vững và phát triển.
CỤM TIN VĂN HÓA
Lâm Đồng: Giao lưu Văn hóa với vùng Ladakh – Ấn Độ
Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú cùng khí hậu ôn hòa, tỉnh Lâm Đồng hội tụ đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để phát triển du lịch văn hoá. Ladakh là cao nguyên rộng lớn của Ấn Độ, nằm trong dãy Himalaya hùng vĩ, thấm đẫm tinh thần Phật Giáo, đặc biệt là Phật Giáo Kim Cương Thừa. Với những nét tương đồng này, đại diện chính quyền và các công ty du lịch Ladakh – Ấn Độ đã gặp gỡ chính quyền tỉnh Lâm Đồng để cùng hợp tác phát triển du lịch với chuỗi chương trình giao lưu diễn ra đến 30/12.
Vận hành 31.000 lượt xe buýt dịp Tết Dương lịch
Trong dịp nghỉ tết Dương lịch năm 2024, Tổng công ty Vận tải Hà Nội sẽ vận hành khoảng 31.000 lượt xe buýt để phục vụ hành khách. Ngoài ra, dự phòng 25 xe buýt trên 16 tuyến. Còn tại TP.HCM, sản phẩm du lịch đường thuỷ mới vừa ra mắt là “Saigon River Sightseeing” du ngoạn sông Sài Gòn, ngắm cảnh TP.HCM về đêm lập tức hút khách. Xuất phát tại ga tàu thủy Bạch Đằng, tàu 2 tầng đưa du khách qua các công trình tiêu biểu như: Bến Nhà Rồng, tòa nhà Bitexco, tòa nhà Landmark 81, cầu Ba Son…
Đường hoa Nguyễn Huệ có nhiều điểm nhấn ấn tượng
Cũng tại TP.HCM, dịp Tết Giáp Thìn 2024, dự kiến, đường hoa Nguyễn Huệ sẽ có nhiều ấn tượng. Với chủ đề “Xuân yêu thương, Tết sum vầy”, điểm nhấn của Đường hoa là đôi linh vật Rồng chầu sen uốn lượn. Dự kiến hơn 90.000 giỏ hoa các loại được sử dụng trang trí đường hoa, phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn từ 19h ngày 7/2/2024 (nhằm 28 tháng Chạp năm Quý Mão) đến 21h ngày 14/2/2024 (nhằm mùng 5 Tết Giáp Thìn).
Những kỳ vọng từ Du lịch của Điện Biên
Năm 2023, lần đầu tiên tỉnh Điện Biên đạt mốc đón 1 triệu lượt du khách, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt trên 1.750 tỷ đồng. Con số này là một tín hiệu đáng mừng, là tiền đề để Điện Biên tạo bước đột phá trong năm tới, cũng là năm Du lịch Quốc gia – Điện Biên 2024, với kỳ vọng trở thành trung tâm du lịch của vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ luôn là điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Điện Biên. Trong năm 2023, Bảo tàng đón hơn 150.000 lượt khách tham quan. Sức hút chủ yếu vẫn đến từ bức tranh Panorama chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là bức tranh lớn nhất Đông Nam Á và là một trong ba bức tranh lớn nhất thế giới. Ngoài ra Bảo tàng còn trưng bày, triển lãm hơn 1.000 hiện vật sống động, mô tả rõ nét nhất chiến thắng Điện Biên Phủ.
Dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không được khánh thành đã kết nối Điện Biên với 2 trung tâm kinh tế của đất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây chính là cơ hội, điều kiện để tỉnh Điện Biên thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch.
Ngoài du lịch lịch sử với Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, Điện Biên với cộng đồng 19 dân tộc đa dạng về văn hóa, phong tục, tập quán tạo nên bức tranh đa sắc màu; nhiều danh thắng thiên nhiên tuyệt đẹp. Đó là tiềm năng, lợi thế để Điện Biên phát triển du lịch.
Dự kiến trong năm 2024, Năm du lịch quốc gia cùng với Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ có gần 170 sự kiện sẽ diễn ra tại Điện Biên. Việc đăng cai Năm du lịch quốc gia – Điện Biên 2024 cũng mang lại ý nghĩa quan trọng đối với ngành du lịch của địa phương.
Cổ kính chùa Cả
Chùa Cả có tên chữ là Đại Từ Khâm Thiên tự. Theo sử sách, chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê, trùng tu lại với quy mô rộng từ năm 1881. Chùa thờ vua Lý Nhân Tông. Tương truyền vua Lý Nhân Tông từng đóng đồn nơi đây để đi đánh giặc. Chùa còn thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông mà nhân dân ở đây tôn là Thánh. Do đó, chùa Cả có hai chức năng vừa là đền, vừa là chùa.
Chùa có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian tiền đường. Điểm khác biệt là tòa tiền tế có kiến trúc như ở đền, các góc đao cao vút, các bức phù điêu hình rồng được bàn tay khéo léo của nghệ nhân xưa chạm khắc tinh xảo. Từ khi xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đến nay, ngôi chùa đã được trùng tu, tôn tạo lại. Đến nay, khu di tích khang trang hơn nhưng vẫn giữ được hồn cốt linh thiêng, cổ kính.
Mặc dù đã được tôn tạo, tu bổ nhiều nhưng hiện nay, ngôi tổ đường của chùa Cả đang xuống cấp nghiêm trọng. Mái chùa đã nhiều năm dột nát, ngói xô nghiêng, phải căng bạt che mưa. Tường nhà Tổ cũng xuống cấp, ảnh hưởng đến các pho tượng cổ. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, cần tháo gỡ những thủ tục vướng mắc để ngôi chùa có điều kiện thuận lợi trong việc bảo tồn các di sản của cha ông.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 29.12.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
24 lượt thích 0 bình luận