Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.07.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Hà Nội: Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Campuchia thăm TƯGH; Hành giả trẻ với mùa tịnh tu; Tích cực phổ biến Luật Đất đai 2024.
Hà Nội: Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Campuchia thăm TƯGH
Ngày 31/7, Bộ trưởng Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Vương quốc Campuchia Chay Borin dẫn đầu đoàn công tác đã đến thăm TƯGH tại chùa Quán Sứ – Hà Nội. Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, UVTT HĐCM, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS cùng chư tôn giáo phẩm TƯGH thân mật đón tiếp đoàn.
Thay mặt đoàn, bộ trưởng Chay Borin gửi lời chia buồn sâu sắc tới Nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngài cũng tri ân chư tôn giáo phẩm lãnh đạo GHPGVN đã đến Thủ đô Phnom Penh, Campuchia để tham dự lễ trà tỳ Đại Tăng thống Tep Vong. Đồng thời, mong muốn 2 nước tiếp tục tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, gắn bó đoàn kết và hợp tác các hoạt động Phật giáo.
Thay mặt GHPGVN, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu chào mừng và chúc đoàn có chuyến làm việc tại Việt Nam thành công tốt đẹp; đồng thời nhấn mạnh, mối quan hệ thân thiết giữa Phật giáo hai nước ngày càng thắt chặt bằng các cuộc thăm viếng. Đây là minh chứng cho tình hữu nghị, hòa bình không biên giới giữa hai dân tộc, Phật giáo Việt Nam – Campuchia.
Dịp này, phái đoàn dâng hương, lễ phật tại chùa Quán Sứ và tìm hiểu lịch sử, kiến trúc chùa.
Hành giả trẻ với mùa tịnh tu
Mùa an cư với những hành giả trẻ có ý nghĩa rất quan trọng. Dù mới học đạo nhưng đây là cơ hội Tăng Ni trẻ được gần gũi với các bậc tôn túc, cùng chung sống trong tinh thần lục hòa nhằm thúc liễm thân tâm, khai mở trí tuệ.
Hạ trường chùa Tịnh Độ, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam những ngày nhập hạ.
Sau các thời khóa buổi sáng: tụng kinh, niệm phật, những hành giả trẻ này lại dành thời gian nghiên cứu kinh điển. Đây là thời gian quý báu để chư Tăng Ni trẻ vừa bồi dưỡng kiến thức tu học, vừa thực hành đời sống tập thể trong tinh thần lục hòa cộng trụ.
Đạo tràng An cư là môi trường lý tưởng để các hành giả tập trung thành một hội chúng hòa hợp, học pháp, hành trì. Những vị tăng trẻ được gần gũi học hỏi và tu tập dưới sự dẫn dắt của chư Tôn đức, từ đó học hỏi rất nhiều điều về phong thái của người xuất gia, oai nghi tế hạnh của một hành giả.
Trong 3 tháng an cư kiết hạ, các hành giả tại hạ trường chùa Tịnh Độ luôn khép mình trong đời sống thiền môn, thực hành lời dạy của Đức Phật. Thời gian cấm túc tuy không nhiều nhưng phần nào giúp mỗi hành giả có hành trang để tiếp tục xiển dương chánh pháp.
Nối dài hành trình tạo nguồn nhân lực cho Phum Sóc
Hàng năm, các chùa phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh Sóc Trăng đều mở lớp sơ cấp Pali Phật học để dạy chữ và giáo lý cho tăng sinh, con em đồng bào phật tử trong phum sóc. Đây là các lớp căn bản do achar và các vị sư giảng dạy. Kết quả học tập từ các lớp này sẽ tạo nguồn tăng sinh cho Trường bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ, đồng thời xây dựng đội ngũ trí thức phục vụ cộng đồng phum sóc sau này.
Với nguồn nhân lực dồi dào cả về chư tăng và các vị achar, hàng năm chùa Trà Cuôn đều mở lớp sơ cấp Pali cho tăng sinh. Đặc biệt năm nay là lần đầu tiên nhà chùa mở 3 lớp từ Pali 1 đến Pali 3, thu hút đông đảo chư tăng trong và ngoài tỉnh đến tu học.
Tại Sóc Trăng có rất nhiều chùa đã mở lớp sơ cấp Pali Phật học để các vị sư có thể học tập và trau dồi kiến thức ngay tại nơi mình tu hành. Ban quản trị các chùa luôn tạo điều kiện cho chư Tăng tu học thật tốt. Bên cạnh đó phật tử luôn hợp sức, nhiệt liệt đóng góp từ kinh phí, vật dụng giúp chư Tăng vững tâm, mạnh khỏe, tập trung học hành.
Sau khi các vị tăng sinh học hết 3 năm sơ cấp Pali, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Pali Roong để đánh giá trình độ của các vị sư. Vượt qua kỳ thi này sẽ là cơ hội để trở thành tăng sinh của Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ, nơi được đào tạo bài bản về tiếng Pali với đội ngũ giáo viên trình độ cao, và được học các môn phổ thông khác.
Đối với cộng đồng dân tộc Khmer, tiếng Pali liên quan đến sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Từ Pali có thể nghe trong lời nói, trong lớp học, hay trong lúc thực hiện nghi thức tôn giáo… Chính lẽ đó, lớp sơ cấp Pali Phật học luôn được đồng bào Khmer duy trì, góp phần tạo nên nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc dân tộc.
Tích cực phổ biến Luật Đất đai 2024
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8 gồm nhiều nội dung mới, trong đó phạm vi điều chỉnh liên quan tới đất tôn giáo có thay đổi đáng kể. Bởi vậy, Phật giáo các địa phương đang tích cực phổ biến văn bản này, giúp chư Tăng Ni, Phật tử nắm rõ quyền, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất.
Chùa Pháp Lâm tọa lạc tại quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Ngôi chùa gắn liền với sự phát triển của Phật giáo và trở thành trụ sở BTS GHPGVN TP. Đà Nẵng nhiều năm qua. Tuy nhiên đến nay, chùa vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì nhiều lý do.
Cắt đất của chùa để làm đường đi chung cho các hộ dân, yêu cầu này không được chư tôn đức, phật tử TP. Đà Nẵng đồng ý và cũng không ai đủ khả năng, thẩm quyền để làm việc đó. Đáng lưu ý, trước đây, khi các hộ dân xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cố HT.Thích Giác Viên, nguyên trụ trì chùa đã ký giấy tứ cận, xác định phần đất giáp ranh với đất của các hộ dân. Vậy tại sao vào thời điểm đó, các cơ quan hữu trách lại cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ thể trên khi không có đường đi lại?
Từ vụ việc của chùa Pháp Lâm, chư tôn giáo phẩm BTS GHPGVN TP. Đà Nẵng hiểu việc phổ biến các quy định về đất đai có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp chư Tăng Ni nắm rõ quyền, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất. Bởi vậy, những tháng qua, nhiều lớp tập huấn, khóa bồi dưỡng được triển khai. Trong đó việc phổ biến Luật Đất đai là nội dung trọng tâm.
Không quá trắc trở như 1 số địa phương, các chùa tại Đắk Nông tương đối thuận lợi trong việc xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, 46 tự viện trên địa bàn, chỉ có số ít cơ sở chưa được cấp sổ hồng. Dẫu vậy, do những vướng mắc về quy hoạch cũng như ở giai đoạn chuyển tiếp giữa Luật Đất đai 2013 và 2024 nên suốt 1 năm qua, việc thành lập 1 số chùa mới chưa thể kiện toàn các thủ tục xin cấp đất.
Ngay khi nắm thông tin Luật đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8, BTS GHPGVN tỉnh Đắk Nông đã khẩn trương phố biến đến chư Tăng Ni toàn tỉnh. Việc kịp thời nắm bắt, thông suốt về luật giúp các tự viện thực hiện đúng, đủ các thủ tục hành chính, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.
Điểm thay đổi lớn nhất liên quan đến tôn giáo của Luật Đất đai 2024 là thay đổi chủ thể chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất từ Người đứng đầu cơ sở tôn giáo sang Đại diện tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Vì vậy, song song với việc phổ biến các nội dung của Luật, Phật giáo các địa phương cũng tích cực thành lập Ban Quản trị cơ sở tự viện. Bởi với các chùa chưa được cấp sổ hồng, việc kiện toàn cấp hành chính thứ 4 của GHPGVN với tư cách là tổ chức tôn giáo trực thuộc mới có quyền đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Do Luật Đất đai 2024 được triển khai sớm 5 tháng so với kế hoạch, cùng với đó ngoài Nghị định 71 quy định về giá đất được Chính phủ ban hành ngày 27/6, hiện cơ quan hữu trách vẫn chưa ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật liên quan tới đất tôn giáo. Bởi vậy vào lúc này, vai trò của Ban Pháp chế từ Trung ương đến địa phương là hết sức quan trọng, giúp các tự viện nắm rõ quyền, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất.
Với 16 chương, 260 điều, trong đó có nhiều nội dung liên quan tới đất tôn giáo, bởi thế việc phổ biến Luật không thể một sớm một chiều. Thế nhưng với những công việc đang được triển khai, chư Tăng, Ni ở khắp 63 tỉnh thành sẽ sớm nắm rõ quy định, tạo tiền đề thuận lợi cho việc quản lý, sử dụng đất ở mỗi tự viện.
Ninh Bình – Trường học lớn về thiên nhiên
Những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chương trình du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, góp phần lan tỏa tình yêu thiên nhiên và thay đổi tư duy bảo vệ môi trường. Tại Vườn quốc gia Cúc Phương, Ban quản lý tổ chức nhiều chương trình trải nghiệm, khám phá thiên nhiên hướng tới các em học sinh.
Với kỳ vọng xây dựng Cúc Phương trở thành Vườn Quốc gia kiểu mẫu – “Trường học lớn” về thiên nhiên, chương trình Trại hè “Lớn lên cùng đại ngàn – Cúc Phương Camp 2024” được thiết kế với nhiều hoạt động đa dạng để đem khu rừng “đến gần” với nhiều người hơn, lan toả tình yêu thiên nhiên tới cộng đồng.
Tham gia Trại hè trong 1 tuần, các bạn nhỏ được trải nghiệm giữa thiên nhiên đại ngàn như ngắm đom đóm về đêm, lội suối, đi bộ xuyên rừng, thăm những cây cổ thụ ngàn năm tuổi, khám phá khoa học khảo cổ, tìm hiểu văn hóa người Mường thông qua ẩm thực, các trò chơi dân gian…tham gia hoạt động cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã ….
Trên cơ sở tiềm năng về đa dạng sinh học, kết quả công tác cứu hộ bảo tồn, Vườn quốc gia Cúc Phương đã tổ chức được “hệ sinh thái” du lịch, như một “bảo tàng sống”, một “ngôi trường” lớn, nơi các thế hệ học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập.
Từ những thành quả đạt được trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học; cứu hộ và bảo tồn…thời gian tới, Vườn quốc gia Cúc Phương tiếp tục triển khai các chương trình giáo dục, trải nghiệm thiên nhiên, phù hợp với từng lứa tuổi, truyền tải tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi sinh, môi trường.
Kết nối con trẻ với nguồn cội
Để khơi dậy, lan tỏa niềm đam mê đọc sách cũng như nuôi dưỡng tình yêu Đất nước cho thế hệ trẻ, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn luôn nỗ lực cố gắng truyền tải bằng cách thức khác nhau. Qua đó, nhằm mở ra không gian đầy cảm hứng để các bạn nhỏ khám phá các vẻ đẹp vùng miền Việt Nam, xây dựng sự gắn kết nguồn cội, con nuôi dưỡng tình yêu với quê hương, đất nước.
Ánh mắt tò mò, thích thú, sự hào hứng hiện rõ trên khuôn mặt của các bạn nhỏ khi được xem, lắng nghe kể chuyện và thăm thú các câu chuyện nhỏ được trích từ series “Em yêu Việt Nam mình” của nhóm tác giả trẻ Lionbooks. Tất cả đều dựa trên văn hoá, con người và đất nước Việt Nam, với nội dung đơn giản, gần gũi, gắn với các mối quan hệ gia đình, những vùng đất quen thuộc, hay những con vật đặc trưng và được “kể” lại dưới góc nhìn của các bạn nhỏ.
Không đơn thuần chỉ là sách giấy với nội dung hay, hình vẽ đẹp mà các thành viên còn tạo nên những sân chơi nhằm gia tăng trải nghiệm cho trẻ… Qua đó, giúp các bạn nhỏ và gia đình khơi nguồn cảm hứng tìm hiểu, yêu thương, nuôi trí Việt, xây dựng “tiếng” Việt để thêm hiểu, thêm yêu hơn những nét đẹp của dân tộc mình.
Khép lại chặng một, các thành viên hứa hẹn mang đến chặng hai với nhiều điều mới mẻ, nhiều hình ảnh sinh động, nét đẹp truyền thống mới của Việt Nam theo góc nhìn đa chiều, hấp dẫn và giúp các bạn nhỏ lớn lên thêm tự tin, tràn đầy hạnh phúc và tự hào về văn hóa Việt.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 31.07.2024:
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
11 lượt thích 0 bình luận